Thời sự 26/06/2014 07:45

Lãi suất huy động hạ đồng loạt, lãi suất cho vay thế nào?

Động thái một loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động được thị trường kỳ vọng sẽ kéo lãi suất cho vay xuống. Điều này có lợi cho DN đi vay và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất huy động giảm sâu

Từ cuối tháng 5, ở khối NHTM cổ phần, Eximbank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, kỳ hạn từ 1 - 3 tháng giảm còn 5,7%/năm, từ 4 - 5 tháng là 5,98%/năm; với kỳ hạn dài, mức lãi suất cao nhất là 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 24 - 60 tháng. Tại ACB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng là 5,5 - 5,6%/năm và kỳ hạn dài trên 12 tháng cao nhất là 7,6%/năm.

Nhiều ngân hàng khác như Sacombank, lãi suất huy động 3 tháng giảm 0,3%/năm; MBBank giảm từ 0,1 - 0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn; ABBank giảm 0,2%/năm đối với kỳ hạn 1 - 5 tháng; HDBank giảm 0,2%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng; VPBank, HSBC… cũng giảm lãi suất huy động xuống mức khá thấp so với mức trần 6%/năm.

Tại khối các NHTM do Nhà nước sở hữu chi phối, Vietcombank điều chỉnh lãi suất huy động kể từ đầu tháng 6. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm còn 5%/năm, kỳ hạn 2 - 9 tháng còn 5,1 - 5,9%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng là 5,9%/năm. Đáng chú ý, lãi suất huy động các kỳ hạn dài từ 12 - 60 tháng lùi sâu về mức 7%/năm.

VietinBank giảm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,25 - 0,8%/năm, trong đó lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm còn 5%/năm, kỳ hạn 6, 9, 12 tháng còn 6%/năm. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietinbank là 7%/năm dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên (trước đó là 7,5%/năm).

Thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần từ 9/6 đến 13/6 của NHNN cho biết, lãi suất huy động VND có xu hướng giảm nhẹ so với tuần trước đó. Một số NHTM nhà nước điều chỉnh giảm 0,1-0,5%/năm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dưới 12 tháng. Hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và dưới 6 tháng; 6 - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; với kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất từ 7,5 - 8,3%/năm.

“Diễn biến giảm lãi suất huy động là do tình hình cung cầu vốn khi toàn hệ thống huy động tăng trưởng tốt, trong khi tín dụng chưa tăng được như kỳ vọng”, lãnh đạo Vietcombank nói.

Đồng quan điểm, tổng giám đốc một NHTM cổ phần cho biết, tình hình giải ngân của ngân hàng đang yếu do sức khỏe của DN yếu, dù thừa vốn khả dụng nhưng ngân hàng cũng chưa cho vay nhiều. Do đó, ngân hàng buộc phải cơ cấu lại kỳ hạn của lãi suất huy động.

Lãi suất cho vay có hạ?

Lãnh đạo Vietcombank nhận xét, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã khá thấp, tỷ lệ lãi biên (cho vay - huy động) của các ngân hàng đều thu hẹp, do đó dư địa giảm thêm lãi suất cho vay là không nhiều. “Thực tế, các khách hàng tốt bây giờ đang được vay với lãi suất thấp”, lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh.

Diễn biến này cũng phù hợp với báo cáo của NHNN rằng, lãi suất cho vay bằng VND tiếp tục ổn định. Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn tại khối NHTM nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao phổ biến trong khoảng 7 - 8%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 10 - 11%/năm. Với những DN sản xuất - kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 9 - 10%/năm; trung và dài hạn 10,5 - 12%/năm. Một số NHTM áp dụng lãi suất cho vay đối với các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất - kinh doanh khả thi ở mức 6 - 7%/năm.

Chẳng hạn, LienVietPostBank triển khai chương trình “Nghìn tỷ ưu đãi, lãi suất tự chọn” tập trung vào các đối tượng là các cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh và các DN siêu nhỏ. Theo đó, mức lãi suất thấp nhất được áp dụng là 0% trong 2 tháng đầu tiên. Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn các hình thức ưu đãi lãi suất khác như 6,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 9%/năm trong 1 năm đầu tiên.

TPBank cũng đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng khi vay mua nhà, xây sửa nhà, vay mua ô tô, vay tiêu dùng và vay kinh doanh chỉ 4,9%/năm cố định 6 tháng đầu với khoản vay từ 36 tháng. Với các khoản vay từ 24 tháng, khách hàng được linh hoạt lựa chọn mức lãi suất 6,6%/năm cố định 6 tháng đầu hoặc 8,8%/năm cố định 8 tháng đầu.

Tại OceanBank, bà Đặng Quỳnh Mai, Giám đốc Khối Khách hàng DN cho biết: "Sản phẩm của Ngân hàng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các DN thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh và hơn thế là điểm tựa tài chính cho DN".

Trong một tương quan khác, tổng giám đốc một NHTM cổ phần cho rằng: “Mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua giảm và nhiều khả năng sẽ còn giảm là cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay. Theo đó, DN giảm được chi phí đầu vào và cùng với câu chuyện biển Đông cổ động tinh thần người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, tôi hy vọng sẽ kích thích được tiêu dùng trong nước, kích thích sản xuất. Đây là tín hiệu tốt, thể hiện sự đồng lòng của người dân, DN và Chính phủ”.

Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK

 
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *