Thời sự 15/09/2020 16:45

Kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2020

Dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Ngày 15/9, ADB công bố dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2020 và trong năm 2021, theo đó năm 2020 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1,8%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây do nhiều tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Triển vọng năm 2021 sẽ tươi sáng hơn cho nền kinh tế khi dự báo tăng trưởng đạt khoảng 6,3%.

Do tác động của đại dịch, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2020

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam không đứng ngoài tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế như các quốc gia khác. 

Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”, đại diện ADB tại Việt Nam cho hay,

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm mạnh từ 3,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý I-2020 xuống 0,4% trong quý II-2020, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ 2011.

Nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực và rất nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm từ 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 0,6% trong cùng kỳ năm nay do lượng khách du lịch nước ngoài giảm 56%.

Du lịch nội địa bắt đầu phục hồi từ tháng 5 và tháng 6 nhưng bị đóng băng bởi Covid-19 quay trở lại Đà Nẵng và lan ra một số địa phương khác. Lĩnh vực bán lẻ suy giảm mạnh, sản xuất nhiều ngành công nghiệp nặng suy giảm, bán buôn, bán lẻ nhiều sản phẩm, hàng hóa đặc biệt là ô tô suy giảm...

Tuy nhiên, ADB đánh giá, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn. 

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang các nước lân cận. Cùng với đó là việc Việt Nam thực thi các cam kết mở cửa thị trường và miễn thuế hàng xuất - nhập khẩu sang thị trường EU theo khuôn khổ Hiệp định EVFTA sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục tốt hơn.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *