Thời sự 08/01/2020 11:10

Kiểm toán “khui” ra 154 văn bản có nguy cơ làm thất thoát, lãng phí ngân sách

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả kiểm toán năm 2019, trong đó cơ quan này kiến nghị các Bộ, ngành sửa đổi, huỷ bỏ, thay thế, bổ sung 154 văn bản là lỗ hổng về cơ chế, chính sách có nguy cơ làm thất thoát ngân sách.

Cụ thể, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, kết quả tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 31/12/2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu Ngân sách Nhà nước 10.200 tỷ đồng, giảm chi 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng.

Kiểm toán “khui” ra 154 văn bản có nguy cơ làm thất thoát, lãng phí ngân sách - 1

Vụ việc Asanzo bị các cơ quan hải quan, công an bước đầu xác định là giả mạo nguồn gốc xuất xứ trong khi Việt Nam vẫn chưa có quy định thế nào là hàng "Made in Vietnam". Đây là kẽ hở mà cả doanh nghiệp và Nhà nước đều chịu thiệt hại

Đáng nói, qua quá trình kiểm toán, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ dung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản, gồm 09 Nghị định, 24 Thông tư, 09 Nghị quyết, 40 Quyết định và 72 Văn bản khác, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, hạn chế thất thoát, lãng phí.

Cơ quan này cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân. 

“Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập”, Ông Phớc nói.

Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, năm 2019, một số hoạt động của các cơ quan đơn vị sự nghiệp có hạn chế, tồn tại như: Thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, bệnh viện công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2020, Kiểm toán Nhà ước sẽ tổ chức thực hiện 158 cuộc kiểm toán.

“Các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước năm 2020 sẽ tập trung nhân lực và thời gian phù hợp phân tích, đánh giá các sai phạm, hạn chế, bất cập của chủ trương hoặc lỗ hổng cơ chế, chính sách; phân tích, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…”, Kiểm toán Nhà nước nêu.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *