Thời sự 31/05/2020 12:53

Khó hiểu “nghi án” hối lộ, trốn thuế gây chấn động tại Bắc Ninh

Trong tuần qua, việc một số cán bộ, công chức dính “nghi án” nhận hối lộ 25 triệu yên đã gây chấn động dư luận. Bên cạnh đó, độc giả cũng dành sự quan tâm đến giá cả nhiều mặt hàng quan trọng.

Rúng động “nghi án” công chức Bắc Ninh nhận hối lộ 25 triệu yên

Khó hiểu “nghi án” hối lộ, trốn thuế gây chấn động tại Bắc Ninh - 1

Công ty Tenma Việt Nam tại Bắc Ninh, nơi dính nghi án hối lộ quan chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để trốn 400 tỷ đồng tiền thuế VAT cho nhà nước Việt Nam

Tuần qua, dư luận xã hội xôn xao việc một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei... đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ, nếu đúng phải xử lý nghiêm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế.

Để làm rõ vụ việc này, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc điều tra. Đồng thời, theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Tài chính, 6 cán bộ Cục Hải quan Bắc Ninh bị đình chỉ chức vụ vì nghi có liên quan vụ Công ty Tenma hối lộ. Một lãnh đạo Cục thuế Bắc Ninh cũng bị yêu cầu tạm đình chỉ.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Thanh tra Bộ Tài chính ngày 22/5, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh khẳng định: Trong suốt quá trình kiểm tra tại doanh nghiệp, đoàn kiểm tra thực hiện theo đúng quy trình kiểm tra. Đoàn kiểm tra thực hiện nội dung kiểm tra trong phạm vi quyết định kiểm tra; tuyệt đối không gây phiền hà, sách nhiễu đến doanh nghiệp, không yêu cầu, đòi hỏi cung cấp hồ sơ tài liệu gì ngoài nội dung kiểm tra.

“Đoàn kiểm tra, thành viên đoàn không nhận bất cứ lợi ích vật chất gì từ công ty TNHH Tenma Việt Nam” - văn bản này nhấn mạnh.

Còn Cục Hải quan Bắc Ninh thì khẳng định: “Không có cơ sở để kết luận việc công ty được miễn khoản truy thuế giá trị gia tăng hay bất kỳ khoản thuế, phí nào đối với mặt hàng nhập khẩu và thông tin hối lộ tiêu cực như báo chí Nhật Bản đã phản ánh”.

Cục Hải quan Bắc Ninh cho rằng lý do dẫn đến khẳng định trên là bởi: “Công ty Tenma Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất (vốn đầu tư Nhật Bản), hàng là nguyên liệu, vật ưu, máy móc thiết bị của doanh nghiệp chế xuất không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật”.

Bộ Nông nghiệp đồng ý nhập khẩu lợn sống do giá lợn tăng quá cao

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa ra văn bản về việc nhập khẩu lợn sống từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cụ thể, Bộ này đồng ý phương án Cục Thú y phân tích về rủi ro nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp. Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước và thực hiện cách ly kiểm dịch 30 ngày.

Chính sách đưa ra giữa lúc giá thịt hơi trên thị trường đã lên tới 103 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, lợn đông lạnh nhập khẩu đang ở mức 120 nghìn đồng/kg. Song, do nhu cầu thị trường với mặt hàng này không cao, nên lượng tiêu thụ cũng không quá mạnh.

Do đó, nếu lợn sống được nhập khẩu về Việt Nam và giết mổ thì sẽ tạo ra sức ép lớn lên giá thịt lợn hơi trong nước. Điều đó sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn và tiết kiệm được chi phí sinh hoạt.

Khó hiểu “nghi án” hối lộ, trốn thuế gây chấn động tại Bắc Ninh - 2

Giá lợn có thể sẽ giảm sau khi nhập khẩu lợn sống

Xăng dầu thời kỳ “chưa từng có”, bất ngờ vì cửa hàng treo biển báo hết

Trước kỳ tăng giá, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu liên tục đặt biển báo “hết xăng”. Chiết khấu bị kéo giảm, có nơi về mức 0 đồng khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị lỗ. Trong khi cung ứng xăng từ đơn vị phân phối “nhỏ giọt” với lý do khó khăn trong nhập hàng.

“Khan hiếm do găm hàng hay do thiếu hàng thực sự” - đây là câu hỏi đặt ra trong bối cảnh “chưa từng có” ở thị trường xăng dầu hiện nay.

Mới đây, một trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền 30 triệu đồng là cửa hàng xăng dầu số 11, địa chỉ tại số 95 Vũ Ngọc Phan (Đống Đa, Hà Nội) do không bán hàng, ngừng bán xăng RON 95 mà không có lý do chính đáng.

Trong đêm 27/5, qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện cây xăng này còn khoảng 20.000 lít xăng RON95 nhưng thông báo hết.

Điều chỉnh lần thứ 2 liên tiếp, giá xăng dầu tăng ở mức cao

Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh tăng các mặt hàng xăng dầu kể từ 15h00, chiều 28/5.

Cụ thể, xăng E5RON92 được điều chỉnh tăng 882 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 890 đồng/lít; Dầu diesel tăng 892 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 875 đồng/lít; Dầu mazut tăng 947 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 có giá bán cao nhất là 12.402 đồng/lít; Xăng RON95 là 13.125 đồng/lít; Dầu diesel là 10.749 đồng/lít; Dầu hỏa 8.757 đồng/lít; Dầu mazut 9.492 đồng/kg.

Đây là lần thứ hai giá xăng được điều chỉnh tăng sau chuỗi giảm sau 8 phiên liên tiếp do dịch Covid-19.

Cắt điện phải thông báo trước ít nhất 5 ngày

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện, quy định: đối với trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 5 ngày.

Việc gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông báo bằng hình thức khác đã được hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện cho khách hàng có sản lượng mua điện trung bình trên 100.000kWh/tháng và khách hàng sử dụng điện quan trọng biết.

Đồng thời bên bán điện cũng phải thông báo trong 3 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện đối với các khách hàng còn lại.

“Trường hợp không thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện theo nội dung đã thông báo, bên bán điện có trách nhiệm thông báo lại cho bên mua điện trước thời điểm ngừng, giảm cung cấp điện đã thông báo ít nhất 24 giờ”.

EVN lên tiếng trước thông tin lương sếp sẽ tăng ở mức “khủng”

Vừa qua, báo chí có đưa thông tin đề cập đến kế hoạch tiền lương năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong đó có nội dung “dự kiến mức lương bình quân của người quản lý tại EVN năm 2020 theo đề xuất tăng 37% so với mức thực hiện năm 2019”.

Trong khi đó, mức tiền lương bình quân của người lao động tại Công ty mẹ EVN kế hoạch năm 2020 lại chỉ “tăng khoảng 4% so với mức thực hiện năm 2019”.

Về vấn đề này, Tập đoàn EVN vừa lên tiếng cho biết “đây chỉ là nội dung dự thảo ban đầu chứ không phải phương án kế hoạch được EVN thông qua để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét”.

Theo EVN, tại thời điểm đó, trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tài chính năm 2019 và kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính năm 2020, tập đoàn đã xây dựng kế hoạch tiền lương theo quy định tại Thông tư 26, 27/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Tuy nhiên sau khi xem xét, EVN nhận thấy cần rà soát lại để xây dựng kế hoạch tiền lương năm 2020 trên cơ sở cập nhật các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, cân đối tài chính của tập đoàn.

 Mai Chi (tổng hợp)

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *