Thời sự 14/09/2018 07:19

Khát vốn ODA, TPHCM “gồng gánh” tiền làm metro

Gặp khó khăn về nguồn vốn ODA, UBND TPHCM đã tạm ứng gần 3.300 tỷ đồng để thanh toán tiền thi công dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, tuyến metro số 1 đã hoàn thành khối lượng công việc khoảng 56%. Trong đó, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) đạt 49%, gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son) đạt 66%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt khối lượng 77%...

UBND TPHCM đã tạm ứng ngân sách gần 3.300 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1

UBND TPHCM đã tạm ứng ngân sách gần 3.300 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công tuyến metro số 1

Thời gian qua, TPHCM gặp khó khăn về nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu thi công. Việc này ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2020.

Việc bố trí kế hoạch vốn ODA năm 2017 và trung hạn giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 chưa đáp ứng theo nhu cầu. Cụ thể, năm 2017 vốn ODA được giao chỉ là 2.119 tỷ đồng trong khi nhu cầu là 5.422 tỷ đồng (đáp ứng được 39%), giai đoạn 2016-2020 nhu cầu vốn là 20.930 tỷ đồng thì tuyến metro 1 mới được giao 7.500 tỷ đồng (đáp ứng 36%).

Để đảm bảo tiến độ thi công dự án metro số 1, UBND TP đã tạm ứng ngân sách để thanh toán cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Năm 2018, dự án metro số 1 không được Bộ Kế hoạch – Đầu tư cấp phát vốn ODA do vướng mắc thủ tục pháp lý, Quốc hội chưa xem xét, thông qua việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Do đó, UBND TPHCM đã tạm ứng cho dự án 1.000 tỷ đồng, cho đến nay đã giải ngân được 220 tỷ đồng. Tính từ cuối năm 2016 đến nay, UBND TPHCM đã tạm ứng cho dự án 3.273 tỷ đồng.

Mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã có buổi thị sát công trường tuyến metro số 1. Tại đây, ông Kiên cho biết, UBND TPHCM và các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội sẽ phối hợp với nhau để đảm bảo đưa tiến độ giải ngân nguồn vốn về các dự án metro của TPHCM phù hợp với Hiệp định vốn vay mà Chính phủ đã ký kết và phù hợp với tiến độ thực tế trên hiện trường.

Đối với việc đội vốn tại dự án tuyến metro số 1 và số 2, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, đoàn sẽ cùng với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tìm hiểu xem việc đội vốn các dự án thay đổi gì về thiết kế, hướng tuyến, kết cấu, chiều dài tuyến và công năng sử dụng của các nhà ga, dẫn đến tổng mức đầu tư các dự án phải điều chỉnh.

Về tuyến metro số 1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, chính quyền thành phố luôn nỗ lực để thực hiện dự án, luôn tuân thủ quy định phó luật trong khi chờ cấp thẩm quyền phê duyệt tổng mức đầu tư mới.

Vì nhiều bất cập, hạn chế trong thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư, tuyến metro số 1 của TPHCM có nguy cơ trễ hẹn về đích năm 2020. Tuyến metro số 2 cũng xin chậm về đích đến 4 năm (dự kiến 2024). Cả 2 dự án đều trong tình trạng chờ cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Trong khi tuyến metro số 1 “đội vốn” từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng (tăng thêm 87%) thì tuyến số 2 tăng từ 1,374 tỷ USD lên 2,173 tỷ USD (tăng thêm 58%).

Quốc Anh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *