Thời sự 02/02/2015 07:20

Hơn 37.600 tỷ đồng trích lập chi phí dự phòng nợ xấu

Liên quan đến nợ xấu và chi phí dự phòng, theo SSI Research (Công ty Chứng khoán SSI) năm 2014, Công ty mua bán nợ xấu (VAMC) mua vào khoảng 96 ngàn tỷ đồng, nâng tổng số nợ xấu mua được là 135 ngàn tỷ đồng từ 38 tổ chức tín dụng (TCTD), chiếm khoảng 3,4% tổng dư nợ.

Năm 2015, VAMC có kế hoạch mua thêm 100 nghìn tỷ đồng giá trị nợ xấu tương đương 2,5% tổng dư nợ. Với sự tham gia của VAMC, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể giảm xuống còn 3% vào năm 2015 đến cuối năm.

 

Tuy nhiên, theo SSI Research, các ngân hàng vẫn cần phải trích lập chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu mà họ bán cho VAMC. Theo quy định hiện hành, các ngân hàng sẽ phải trích lập khoảng 37.600 tỷ đồng, chiếm gần một nửa lợi nhuận trước dự phòng của hệ thống ngân hàng.

 

Tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2014, trung bình nợ xấu được xử lý ở các ngân hàng niêm yết là 0,2% tổng dư nợ, ngoại trừ MBB là 1,25% và BIDV là 0,82%. Do đó, bên cạnh việc bán nợ xấu cho VAMC, chắc chắn các ngân hàng sẽ phải tiếp tục sử dụng lợi nhuận để trích lập dự phòng cũng như xử lý nợ xấu, nhằm đảm bảo tỷ lệ nợ xấu đến cuối 2015 về ngưỡng 3% như yêu cầu của NHNN.

 

Cùng đó, tổ chức này nhận định cổ phiếu ngân hàng đang định  giá khá cao. Cụ thể, sau nhịp tăng giá, tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) trung bình hiện nay của các ngân hàng niêm yết đã tăng lên đến 1,4 từ mức 1,1 lần. Theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, cổ phiếu ngân hàng nổi sóng chủ yếu từ kỹ thuật và niềm tin của nhà đầu tư cũng như tác động từ một số tin đồn mang tính tích cực.

 

Theo Khánh Huyền

Tiền Phong

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *