Thời sự 17/04/2020 09:56

Hải quan đề nghị điều tra lợi ích nhóm, trục lợi xuất khẩu gạo

Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan đề nghị Chính phủ điều tra, làm rõ việc có hay không cá nhân, tổ chức có liên quan có lợi ích nhóm, trục lợi về chính sách xuất khẩu gạo.

Người đứng đầu ngành Hải quan Việt Nam cho biết sẽ điều tra các đối tượng liên quan, thậm chí kể cả công chức hải quan có vi phạm.

Theo thông tin mới được ông Cẩn nói với báo giới, cơ quan này đang báo cáo Bộ Tài chính về việc xuất khẩu gạo để Bộ này tổng hợp gửi Thủ tướng.

Hải quan đề nghị điều tra lợi ích nhóm, trục lợi xuất khẩu gạo - 1

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)

Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan đề nghị Chính phủ điều tra, làm rõ việc có hay không cá nhân, tổ chức có liên quan có lợi ích nhóm, trục lợi về chính sách xuất khẩu gạo trong thời gian qua.

Trước đó trả lời câu hỏi của phóng viên báo Dân Trí về trường hợp có hay không việc cá nhân, doanh nghiệp trục lợi chính sách, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, hệ thống hải quan sau khi đối chiếu phát hiện 4 doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu hàng chục nghìn tấn gạo. Các doanh nghiệp này cũng có tên trong danh sách trúng thầu bán gạo cho các Cục dự trữ Nhà nước khu vực nhưng hủy hợp đồng, khiến kế hoạch mua gạo dự trữ không đạt được.

Về giải pháp thời gian tới, cơ quan đề nghị các bộ, ngành cân đối hạn ngạch, đấu thầu hạn ngạch.

"Nên giao cho Hiệp hội Lương thực làm đầu mối, sắp xếp, phân bổ lượng gạo. Tránh tình trạng, doanh nghiệp vận chuyển hàng đến cảng không kịp đăng ký tờ khai, doanh nghiệp chưa kịp chuyển gạo lại ào ạt mở tờ khai", Tổng cục trưởng Cẩn khuyến nghị.

Theo nhiều chuyên gia, về vấn đề doanh nghiệp bị thiệt hại do gạo xuất khẩu đang lưu tại kho hải quan, nhưng bị dừng xuất khẩu, Chính phủ nên có phương án cho phép doanh nghiệp họ ứng trước hạn ngạch tháng 5 để xuất khẩu, tránh thiệt hại kép bởi chính sách.

Trong ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng có báo cáo gửi Thủ tướng nêu một số bất cập trong việc mở tờ khai hạn ngạch xuất khẩu. Trong đó, việc đăng ký tờ khai bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ ngày Chủ nhật mà không có một thông tin chính thức nào trước đó khiến các thương nhân hoàn toàn bị động.

Một số thương nhân đã gặp phải tình huống sau: các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0h ngày 11/4, đã có số tờ khai và đã phân vào luồng đỏ. Tuy nhiên, đến ngày 13/4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm 10/4/2020.

Trước đó, như Dân Trí đưa tin ngày 10/4, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo.

Bộ Tài chính cho rằng: Bộ Công Thương chỉ lập đoàn liên ngành, làm việc nửa ngày với địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu về nguồn cung lúa gạo theo chỉ thị tại Văn bản số 2280/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ là chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

"Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp trong nửa ngày. Thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Do có nhiều ý kiến và dư luận, Chính phủ đã yêu cầu cả hai Bộ Công Thương, Tài chính báo cáo về sự việc này cho Thủ tướng trước ngày 18/4.

An Linh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *