Thời sự 27/11/2018 08:46

“Giải cứu” tuyến đường huyết mạch, thông cửa ngõ phía tây Khánh Hòa

Chiều 26/11, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngành đang nỗ lực “giải cứu” tuyến tỉnh lộ 9 đi huyện miền núi Khánh Sơn bị sạt lở do mưa lũ.

Cầu dài 50m dẫn vào bán đảo Bình Lập (TP Cam Ranh) bị cuốn trôi hoàn toàn (Ảnh: Trí Nguyễn)

Cầu dài 50m dẫn vào bán đảo Bình Lập (TP Cam Ranh) bị cuốn trôi hoàn toàn (Ảnh: Trí Nguyễn)

Hàng trăm hộ dân bán đảo bị chia cắt với đất liền

Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, mưa lũ khiến tuyến tỉnh lộ 9, con đường huyết mạch từ đồng bằng đi huyện miền núi Khánh Sơn bị sạt lở, đứt đường nhiều đoạn.

Đến chiều 26/11, nhiều đoạn sạt lở đã được khắc phục, xe máy có thể lưu thông qua tỉnh lộ 9. Tuy nhiên tại Km28+700 vẫn bị sạt lở taluy âm rất sâu nên cấm ô tô qua lại. “Ở vị trí này, chúng tôi sẽ cho tư vấn khảo sát để có giải pháp khắc phục”, ông Nguyễn Văn Dần nói.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, mưa lũ trong 2 ngày qua khiến thành phố này bị thiệt hại khá nặng về cơ sở hạ tầng, đường sá.

Cụ thể, hiện trên địa bàn TP Cam Ranh có ít nhất 3 căn nhà bị đổ sập, 6 căn nhà bị hư hỏng một phần, cùng nhiều đường sá, cầu cống trọng yếu bị nước lũ cuốn trôi, hư hỏng.

Có hàng trăm hộ dân ở bán đảo Bình Lập bị chia cắt với đất liền do cầu sập (Ảnh: Trí Nguyễn)

Có hàng trăm hộ dân ở bán đảo Bình Lập bị chia cắt với đất liền do cầu sập (Ảnh: Trí Nguyễn)

Trong đó, cầu huyết mạch dài 40-50m dẫn vào bán đảo Bình Lập (xã Cam Lập, TP Cam Ranh) bị nước lũ cuốn gãy đôi, cuốn trôi hoàn toàn khiến người dân ở bán đảo Bình Lập bị cô lập, chia cắt với đất liền. Hiện bán đảo Bình Lập có 250-300 hộ dân sinh sống, làm nghề biển.

Theo đánh giá, người dân bán đảo Bình Lập có thể bị cô lập kéo dài trong nhiều ngày tới, bởi ý tưởng làm một đoạn đường tạm cho dân đi qua khu vực này cũng khó khả thi.

“Hiện nay chỗ này nước vẫn còn chảy xiết, ngày mai mới xem xét khắc phục và đã có báo cáo tỉnh. Khả năng thành phố khắc phục cái này cũng khó, hơi lâu vì cầu này nằm ở dưới sâu, giờ làm con đường cho dân đi tạm cũng không được”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.

“Gỡ” lệnh đóng đường Nha Trang – Đà Lạt

Trên quốc lộ 27C đường đèo Nha Trang đi Đà Lạt cũng bị sạt lở nhiều vị trí uy hiếp phương tiện và người tham gia giao thông. Lực lượng chức năng đã phải đóng đèo, phong tỏa từ 17h30 ngày 25/11 để đảm bảo an toàn và tập trung khắc phục đất đá sạt lở.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 (Tổng cục đường bộ VN) cho biết, đến 9h ngày 27/11, lực lượng chức năng sẽ gỡ lệnh đóng đường qua tuyến đèo Nha Trang – Đà Lạt, các phương tiện trở lại lưu thông bình thường.

Được biết, quốc lộ 27C là đường huyết mạch nối Nha Trang với Đà Lạt. Mỗi ngày có hàng trăm xe khách chở du khách đi tham quan, lưu thông qua lại trên tuyến quốc lộ này.

Về đường sắt, hiện nay tuyến đường sắt đoạn qua Khánh Hòa – Ninh Thuận cũng đã thông tuyến.

Trước đó, sáng 25/11, mưa lớn kèm các hồ chứa xả lũ khiến phía nam và tây nam tỉnh Khánh Hòa ngập nặng cục bộ nhiều nơi, có nơi ngập sâu 0,8-1,2m. Nhiều nhà dân bị nước lũ bao vây, còn các cầu tràn lũ dâng cao uy hiếp khiến người dân không thể đi lại.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa chưa ghi nhận thiệt hại về người trong đợt mưa lũ ngày 25 và 26/11.

Thủy Nguyên

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *