Thời sự 08/04/2020 07:17

Giá gạo: Việt Nam xuất khẩu 10,6 triệu đồng/tấn, vẫn thua gạo của Thái Lan

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng qua tăng cao nhất trong 16 tháng qua, đạt mức 10,6 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thua giá gạo xuất của Thái Lan với 11 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất về thị trường nông sản tháng 3 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), lượng gạo xuất khẩu 3 tháng qua của Việt Nam đạt hơn 1,67 triệu tấn, tăng hơn 280.000 tấn so với cùng kỳ năm trước (ước tăng khoảng 20%). 

Về giá gạo, theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam  3 tháng qua đạt hơn 774 triệu USD, tăng gần 170 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, (ước tăng gần 28%).

Gạo Việt có tăng giá nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với gạo Thái Lan

Giá bình quân gạo xuất khẩu 3 tháng qua đạt hơn 463 USD/tấn, tăng hơn 28 USD/tấn so với giá bình quân 3 tháng cùng kỳ năm trước 435 USD/tấn. Quy đổi ra tiền Việt, giá gạo xuất khẩu đạt 10,6 triệu đồng/tấn, cao hơn 600.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 2 tháng đầu năm 2020, Philippines là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam với 35,9% sản lượng. Các thị trường có giá gạo Việt xuất tăng gồm Trung Quốc tăng với 8,3 lần, Đài Loan 3,6 lần và Mozambique 2,6 lần. 

Chủng loại gạo được xuất khẩu nhiều nhất là gạo trắng (43,1%) và gạo jasmine, gạo thơm (33,8%). 

Trong khi giá gạo Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong gần 16 tháng qua, thì giá gạo xuất của Thái Lan cũng đạt mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua. 

Trên thị trường thế giới, giá gạo 5% tấm của Thái được chào bán ở mức 480 USD đến 505 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Việt 5% tấm trên thị trường thế giới rao bán ngày 27/3 chỉ đạt ngưỡng 430 USD/tấn; bình quân giá các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng qua là hơn 463 USD/tấn, vẫn thấp hơn khá nhiều so với gạo của Thái Lan bán trên thị trường quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp, tại thị trường trong nước, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhìn chung có xu hướng tăng trong tháng 3/2020. Tại An Giang, lúa IR50404 tăng 200 đ/kg lên mức 4.800 đ/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đ/kg lên mức 5.100 đ/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đ/kg lên mức 4.900 đ/kg. Tại Bạc Liêu, lúa Đài Thơm 8 tăng 200 đ/kg lên 5.400 – 5.500 đ/kg; lúa OM 5451 tăng 200 đ/kg lên mức 5.100 – 5.300 đ/kg.

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ở mức 5.400 đ/kg; lúa OM 4218 ở mức 5.800 – 6.000 đ/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.000 – 6.200 đ/kg, ổn định trong suốt tháng 3/2020. Những ngày cuối tháng 3 giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm nhẹ khi bị tác động bởi thông tin việc tạm dừng thông quan xuất khẩu gạo.

Dự báo hoạt động xuất khẩu tại Ấn Độ sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn do quốc gia này cũng lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid – 19 tới an ninh lương thực. Chính phủ Ấn Độ cho biết hiện nước này vẫn có đủ lương thực để tiêu thụ nội địa trong vòng 18 tháng. Năm 2019, Ấn Độ dự trữ khoảng 29,5 triệu tấn gạo, dự kiến có thể tăng lên 18,6% đạt 35 triệu tấn trong năm 2020.

Tương tự, Thái Lan cũng đang tăng cường tích trữ nên nguồn cung dành cho xuất khẩu không nhiều và đẩy giá gạo Thái Lan xuất khẩu tăng liên tục trong tháng; 

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,6% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 đạt 493,1 triệu tấn, tăng khoảng 1,3%
so với năm 2019.

Nhận định về thị trường trong ngắn hạn của Hiệp hội Lương thực Việt
Nam cho thấy giá gạo tăng do tâm lý lo sợ dịch bệnh trên toàn cầu leo thang, thúc đẩy người tiêu dùng các nước tiếp tục tích trữ lương thực. Hạn mặn và nguồn nước tưới tiêu là những yếu tố chi phối thị trường khác, bên cạnh nguyên nhân bệnh dịch.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *