Thời sự 29/06/2021 10:15

GDP Việt Nam vẫn tăng 5,64% bất chấp đại dịch Covid-19

Tính chung 6 tháng, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Con số trên được Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi lễ công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng năm 2021 sáng 29/6 tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020.

GDP Việt Nam vẫn tăng 5,64% bất chấp đại dịch Covid-19 - 1

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 5,6% trong 6 tháng đầu năm bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (Ảnh Hải Long).

Bà Hương cho biết, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế".

"Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 202", Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nói.

Tháng 6, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 67.081. Việt Nam xuất siêu đạt 1,47 tỷ USD.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực.

Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng 5,64% - mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Tuy nhiên, điểm yếu và khó khăn của nền kinh tế được Tổng cục Thống kê chỉ rõ. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Bên cạnh đó, mặc dù tiêm chủng vắc xin Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ, sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều và mong manh của kinh tế thế giới. Điều này làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm nay tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Theo Tổng cục Thống kê, trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Cùng với đó, chúng ta nghiên cứu để chủ động được nguồn vắc xin trong dài hạn, tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

An Linh

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *