Thời sự 28/08/2018 14:16

Gần 2 năm sự cố Thủy điện Sông Bung 2: Vẫn chưa quy xong trách nhiệm nhà thầu

Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn đang xem xét hồ sơ, rà soát sai phạm để đề xuất hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhà thầu trong và ngoài nước liên quan đến sự cố Thủy điện Sông Bung 2. 


Quang cảnh hiện trường sự cố Thủy điện Sông Bung 2, cách đây 2 năm (Ảnh: VOV)

Quang cảnh hiện trường sự cố Thủy điện Sông Bung 2, cách đây 2 năm (Ảnh: VOV)

Cách đây gần 2 năm (tháng 9/2016), sự cố vỡ hầm dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 ở Quảng Nam đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khiến 1 công nhân bị chết và 1 mất tích. Thiệt hại về vật chất theo ước tính của chủ đầu tư khi đó, vào khoảng 40 tỷ đồng.

Cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả điều tra sự việc nghiêm trọng này. Đồng thời, đầu năm 2018, Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu các bộ ngành liên quan khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên qun đến sự cố, đề xuất hình thức xử phạt theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao.

Theo Bộ Xây dựng, hạng mục công trình dẫn dòng công trình thủy điện Sông Bung 2 được khởi công vào ngày 13/1/2011. Công trình được nghiệm thu hoàn thành phần xây dựng hầm ngày 10/12/2012. Các phần cửa van hầm dẫn dòng và đóng cổng tích nước hồ chứa được hoàn thành vào tháng 8/2016.

Sau khi thực hiện đóng cống dẫn ống tích nước hồ chứa từ ngày 1/9/2016 đến ngày 13/9/2016 thì xảy ra sự cố vỡ kết cấu bê tông cốt thép khe cửa van, làm trôi cửa van về hạ lưu, gây thiệt hại cho 3 ngôi nhà và hai công nhân bị trôi mất tích.

Trong báo cáo gửi Chính phủ về nguyên nhân dẫn đến sự cố, Bộ Công Thương đánh giá: Liên quan công tác thiết kế, kết cấu tháp van hầm dẫn dòng là kết cấu chịu lực quan trọng, phức tạp nhưng Tư vấn thiết kế không thực hiện tính toán kết cấu ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Còn ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công, Tư vấn thiết kế có tính toán nhưng phương pháp tính toán chưa phù hợp nên vẫn thiếu cốt thép chịu lực trụ pin tháp van hầm dẫn dòng. Đây được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố công trình.

Ngoài ra, việc tổ chức thi công của nhà thầu tại hiện trường chưa tốt dẫn đến chất lượng bê tông không đạt mác thiết kế, 40% mẫu không đạt cường độ chịu nén thiết kế, 86% mẫu không đạt cường độ chịu kéo thiết kế và 100% mẫu không đạt dung trọng thiết kế…

“Do chất lượng thi công bê tông cốt thép không đạt yêu cầu thiết kế đã dẫn đến khả năng chịu áp lực mực nước thượng lưu của kết cấu trụ pin cửa vào hầm dẫn dòng bị giảm, làm cho sự cố xảy ra sớm hơn. Đây được xem là nguyên nhân bổ sung dẫn đến sự cố công trình”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo Bộ Công Thương, sự cố hầm dẫn dòng thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 là sự cố công trình cấp II, đã gây thiệt hại về người và vật chất lên đến nhiều tỷ đồng, liên quan đến nhiều tập thể, cá nhân trong quá trình đầu tư xây dựng công trình cần phải được cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm.


Sự cố ở hầm dẫn Thủy điện Sông Bung 2 nhưng 2 năm sau vẫn chưa làm rõ trách nhiệm của nhà thầu (Ảnh VNN)

Sự cố ở hầm dẫn Thủy điện Sông Bung 2 nhưng 2 năm sau vẫn chưa làm rõ trách nhiệm của nhà thầu (Ảnh VNN)

Trong văn bản báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho hay sau gần 2 năm xảy ra sự cố, hiện EVN đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 605 ngày 16/1/2018. Việc kiểm điểm đã được xem xét trong các bước triển khai đầu tư xây dựng, bao gồm cả việc xem xét trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, nội dung kiểm điểm trách nhiệm của các bên liên quan trong việc lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật hạng mục dẫn dòng thi công theo Bộ Xây dựng cần được làm rõ hơn, phù hợp với kết quả giám định và đánh giá nguyên nhân sự cố.

Hồi tháng 4, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp với các bộ ngành đơn vị để rà soát lại các sai phạm của nhà thầu liên quan đến sự cố. Sau cuộc họp, Bộ Xây dựng đã giao cho Thanh tra Bộ này căn cứ vào hồ sơ tài liệu liên quan và đề xuất của Bộ Công Thương để lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhà thầu trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật. Các nhà thầu được cho là có liên quan đến sự cố gồm PECC3, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, ASB2 và KHIDI (nhà thầu liên danh với PECC3).

H.Anh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *