Thời sự 10/07/2020 12:30

Ế ẩm, khó giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công vì... "sợ trách nhiệm"

Theo ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia phân tích của Viện CIEM, nếu người đứng đầu sợ trách nhiệm, việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay ODA tồn đọng khoảng 30 tỷ USD vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy.

Tại Hội thảo Kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội sáng nay 10/7, các chuyên gia kinh tế Việt Nam đưa ra một số nhận định về kinh tế Việt Nam.

Ế ẩm, khó giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công vì... sợ trách nhiệm - 1

Ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia phân tích, Ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia phân tích, Ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng có nhiều kỳ vọng về Việt Nam sẽ dễ dàng thu hút FDI và chuyển từ chỗ chọn được, thành được chọn, tự thiết kế cuộc chơi.

Ông Dương cho hay: "Nhiều người nói Việt Nam sàng lọc doanh nghiệp FDI hoặc họ nói nhẹ hơn là chọn lựa. Tuy nhiên, đưa vấn đề này ra cũng phải biết Việt Nam đứng ở đâu, đang trong nhóm nào và bối cảnh nào. Đừng nghĩ rằng Việt Nam quá lớn, có quyền lựa chọn, chúng ta có quyền thiết kế cuộc chơi nhưng chúng ta đừng nhầm là có quyền mặc cả".

Theo ông Dương, nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam trước tiên cần cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính chứ không phải khuyến khích thu hút, chọn lọc dự án. Nếu Việt Nam chỉ đứng mặc cả, sẽ không biết mình đang ở đâu, không biết cần phải cải thiện mình ra sao.

Một khi chúng ta xác định làm gì, chơi với nhà đầu tư như thế nào thì mới đạt kết quả được, chúng ta phải chúng ta trong bối cảnh cạnh tranh về vốn với nhiều nước khu vực.

Ông Dương cho rằng, thời gian vừa qua, có một số quan điểm muốn hạn chế, thậm chí kỳ thị FDI để nhường đất, cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Tuy nhiên "cá nhân tôi cho rằng, FDI thực sự quan trọng đối với Việt Nam, cái quan trọng nhất là công nghệ, là kỹ năng quản trị và chuỗi giá trị".

Hơn nữa: "Đồng minh cải cách hiên nay chủ yếu xuất phát từ các kiến sách của doanh nghiệp nước ngoài, họ kiến nghị sắc hơn, sát sườn hơn và có hiệu quả hơn doanh nghiệp Việt Nam và khu vực tư nhân Việt Nam".

Chuyên gia Viện CIEM liên hệ kinh tế thế giới và Việt Nam trong bối cảnh dịch covid-19 sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào việc khống chế thành công covid-19 và tìm ra thuốc đặc trị.

"Nước nào tìm ra vắc xin thì họ sẽ có lợi thế và sức mạnh, vắc xin sẽ là sản phẩm sở hữu trí tuệ, nó cũng là công cụ chính trị, ngoại giao và chiến lược của các nước. Có thể vắc xin sẽ là công cụ của các nước và có thể là sản phẩm trao đổi, tạo lập quan hệ quốc tế", ông Dương nói.

Theo ông Dương, bối cảnh hiện nay ai cũng nói là bối cảnh mới nhưng cách làm vẫn cũ, tư duy cũng vẫn cũ thì rất khó phát triển đất nước. Ông Dương cho rằng, trong bối cảnh mới, điều hành kinh tế Việt Nam cần 4 chữ "bớt":

"Bớt sợ trách nhiệm", nếu sợ trách nhiệm thì việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay ODA tồn đọng khoảng 30 tỷ USD vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy. Nếu các bộ, ngành và địa phương vẫn lo ngại trách nhiệm thì rất khó làm được.

"Bớt sốt ruột", ở đây là sốt rượt về tăng trưởng, nếu tình hình này mà mở rộng tài khóa tiền tệ thì có tăng trưởng, nhưng sẽ có hậu quả lớn về lạm phát, về bất ổn vĩ mô. Chính vì vậy, Thủ tướng cho biết hỗ trợ tài khóa, tiền tệ là cần thiết, nhưng lúc nào, liều lượng nào cho phù hợp phải nghiên cứu, đánh giá.

"Bớt dè dặt", chúng ta cần chủ động trước nhiều cái mới, mạnh dạn mở rộng tư duy và hướng tiếp cận. Ví dụ như tiền điện tử, chúng ta cần mạnh dạn đi vào và có cách làm sáng tạo. Nhiều người đã nói chúng ta đừng lên con tàu cuối, hoặc bỏ lỡ chuyến tàu. Nhưng nếu không chủ động làm, mà chờ kinh nghiệm thế giới thì cuộc chơi đã xong rồi, các nước đã sắp đặt vị thế rồi thì Việt Nam không thể làm gì được.

"Bớt sợ hết việc", đây là quan điểm hạn chế quản kiểm khi cắt bỏ quyền anh, quyền tôi của điều kiện kinh doanh. Tôi vẫn cho rằng các cơ quan Nhà nước cần gạt bỏ cái tôi của mình, làm khác đi.

Đừng sợ không có việc để làm, đừng làm việc như chúng ta đang làm, cần phải làm khác đi, làm cái mới hoặc thích ứng cái mới. Chủ động với cái mới, cái sáng tạo không nên bị động, chỉ thích ứng.

Theo ông Dương, trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đã tham gia đầy đủ vào các Hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, sản phẩm Việt Nam sẽ tiếp cận với thị trường có phân khúc cao hơn, giá cao hơn. Tuy nhiên, quy chuẩn cao hơn, khắt khe hơn...

Nếu một doanh nghiệp không đủ an toàn thực phẩm, làm bẩn, cả ngành, cả đất nước có thể chịu thiệt hại, thậm chí không thể chơi với các nước đó nữa do họ hạn chế nhập hàng", ông Dương nói.

An Linh

Chuyên mục: Đầu tư , Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *