Thời sự 31/03/2020 07:25

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Nhà thầu đã nhận thanh toán 509 triệu USD

Việc thi công kiểu “rùa bò” khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hơn 1 thập kỷ chưa xong, nhưng hiện Tổng thầu Trung Quốc đã nhận thanh toán 509 triệu USD, tương đương 79% giá trị hợp đồng.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Theo hợp đồng ký kết, khi dự án được đưa nghiệm thu, đưa vào sử dụng sẽ thanh toán cho tổng thầu đến 95% giá trị (tương đương tăng thêm 105 triệu USD); 5% còn lại là giá trị bảo hành dự án.

Cho đến nay, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã thanh toán cho tổng thầu 509/644 triệu USD, tương đương 79% giá trị hợp đồng.

Đầu năm nay, Bộ GTVT đã gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thời điểm đó, Dự án đã trả nợ gốc cho Trung Quốc với tổng số tiền 398,043 tỷ đồng, số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư còn lại là 1,957 tỷ đồng.

Đáng nói, Bộ GTVT cho biết nếu dự án không được gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn vay lại hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo Hiệp định vay, dự kiến dự án phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 152,709 tỷ đồng.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Làm “siêu chậm”, trả tiền “siêu nhanh” (?!) - 1

Các đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể khai thác (ảnh: Báo Lao động)

Cần phải nói thêm rằng, việc trả nợ gốc, tiến độ thanh toán và khối lượng thanh toán thế nào được căn cứ theo hợp đồng kinh tế đã được các bên ký kết trước khi triển khai dự án. Việc thanh toán khối lượng thi công cũng chẳng có gì phải lăn tăn nếu như tiến độ dự án đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đưa ra.

Tuy nhiên, với Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì khác. Dự án được triển khai hơn 1 thập kỷ và nhiều lần “lỡ hẹn” vận hành, gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, nhà thầu không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, chất lượng thì phải có hình thức phạt.

Dự án dự kiến được vận hành thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông hồi tháng 2 và vận hành liên tục 20 ngày nhằm hoàn thiện đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu, thanh toán. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến tiến độ bị lùi lại và đến nay vẫn chưa xác định được thời hạn vận hành thử, kéo theo chậm hoàn thành, bàn giao dự án.

Hiện Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được nghiệm thu các hạng mục thành phần để tiếp tục thanh toán, giải ngân, nhưng gặp một số vướng mắc do Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm trừ chi phí tại một số hạng mục đã thanh toán.

Ngoài ra, dự án vẫn còn một số tồn tại về kỹ thuật trang thiết bị mà tổng thầu phải khắc phục theo yêu cầu được đơn vị tư vấn Pháp đánh giá độc lập đưa ra về an toàn hệ thống.

Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đề nghị thành lập tổ công tác phân loại các công việc của dự án. Tổ công tác sẽ xây dựng kế hoạch, phân loại các công việc của ban quản lý dự án, tổng thầu, từng bộ, ngành và TP.Hà Nội, báo cáo Chính phủ quyết định, nhằm nghiệm thu, bàn giao và vận hành có điều kiện, thúc đẩy dự án đi vào hoạt động.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.  

Tổng thầu thực hiện dự án là là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *