Thời sự 30/11/2019 10:34

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn châu Âu?

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) - cho biết: Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn của châu Âu.

Theo ông Trường, tư vấn thẩm định Pháp đang đánh giá tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Tổng thầu Trung Quốc thi công.

“Quá trình đánh giá chứng nhận an toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được tư vấn Pháp thực hiện và cơ bản đánh giá theo đúng tiêu chuẩn thế giới đã cam kết như quy trình vận hành và bảo dưỡng, biểu đồ chạy tàu, quy trình xử lý sự cố, nhiệm vụ các chức danh” - ông Trường nói.

Tổng giám đốc Metro Hà Nội thông tin, việc quản lý vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới, đảm bảo tuyến vận hành an toàn ở mức độ cao. Do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn châu Âu? - 1

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)

“Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2019, sau khi Bộ Giao thông vận tải nghiệm thu sẽ bàn giao cho Metro Hà Nội vận hành khai thác. Trước khi đưa vào khai thác, việc đảm bảo an toàn trong mọi khâu vận hành cần được khẳng định.” - ông Trường thông tin.

Cũng theo ông Trường, sau thời gian vận hành thử toàn hệ thống, về cơ bản nhân sự Việt Nam đáp ứng các công việc được giao, trực tiếp vận hành 11 chuyên ngành, các chuyên gia nước ngoài chỉ giám sát. 

“Lúc đầu cũng có chút lo lắng, nhưng qua thực tế vận hành thử cho thấy, cán bộ công nhân viên đã sẵn sàng tiếp nhận vận hành” - ông Trường cho biết nhưng cũng thừa nhận đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam nên kinh nghiệm quản lý còn hạn chế.

Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho rằng, dù đội ngũ nhân sự được đào tạo, nhưng không tránh khỏi các tình huống khó khăn trong thực tế. 

Để đảm bảo an toàn, Việt Nam đã thuê chuyên gia nước ngoài giám sát vận hành và chuyển giao công nghệ trong một năm đầu khai thác.

Trước đó, Công ty Metro Hà Nội đã đào tạo gần 1.000 nhân viên và lái tàu để chuẩn bị trước cho việc vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhưng do dự án này chậm tiến độ nên trong 1 năm vừa qua có tới 28% công nhân bỏ việc.

Ông Trường cho biết, số lao động bỏ việc chủ yếu là lao động phổ thông, làm những công việc đơn giản. Khi số này bỏ đi, đơn vị lại tuyển người mới vào đào tạo, đảm bảo tham gia vận hành dự án.

“Số lao động trình độ kỹ thuật được cử đi đào tạo trở về vẫn làm việc và tiếp cận công việc vận hành dự án bình thường” - ông Trường cho biết thêm.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc. Hiệp định này cho phép bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.  

Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018 và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam đã bị “phá sản” do “vướng” 1% khối lượng dự án án chưa hoàn thành, Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết về Dự án.  

Châu Như Quỳnh

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn châu Âu? - 2

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *