Thời sự 28/10/2018 21:38

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng; Chạy cả chuyến tàu thu lỗ 1,9 triệu

Một người đàn ông ở TP Cần Thơ vừa bị xử phạt số tiền tới 90 triệu đồng vì trước đó anh có mang 100 USD ra tiệm vàng để đổi tiền Việt. Trong khi đó, Đường sắt Việt Nam đang phải “gánh” những chuyến tàu lỗ nặng khi có chuyến chỉ thu được 1,9 triệu đồng.

Đổi 100 USD, phạt 90 triệu đồng là đúng nhưng…

Người dân rất sốc khi biết tin đổi USD bị phạt 90 triệu đồng.

Một người đàn ông (38 tuổi), ngụ tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết, anh vừa bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt số tiền 90 triệu đồng vì trước đó anh có mang 100 USD ra tiệm vàng để đổi tiền Việt. Cơ quan chức năng đã kết luận rằng hành vi này đã vi phạm việc mua, bán ngoại tệ tại nơi không được thu đổi ngoại tệ.

Sau đó, tiệm vàng nơi anh R. đổi tiền USD sang tiền VNĐ cũng bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 295 triệu đồng do vi phạm các hành vi như: không được phép mua bán ngoại tệ tại nơi không được thu đổi ngoại tệ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Đồng thời, còn tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương và 19.910 viên đá hột nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng tại tiệm vàng này.

Về phía người dân, ai cũng đều rất sốc trước thông tin đổi USD bị phạt 90 triệu đồng. Bởi trước giờ, chuyện đổi tiền diễn ra như cơm bữa.

Ông Nguyễn Văn Thanh (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết: "Tôi thường được người thân cho tiền USD và thường xuyên đem ra tiệm vàng đổi. Giờ nghe thông tin này, tôi ớn quá. Phạt gần 100 triệu đồng, chắc tôi bán nhà để nộp".

Chị Ngọc (ở phường An Hội, quận Ninh Kiều) nói: "Mỗi lần có tiền USD, tôi đều đi đổi ở tiệm vàng, chưa từng biết việc này là vi phạm. Đọc tin trên báo, cả nhà tôi ai cũng sốc toàn tập. Mai mốt, tôi hết dám đi đổi luôn".

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng Phòng Luật sư Vạn Lý, TP.Cần Thơ cho rằng, việc UBND thành phố Cần Thơ, căn cứ Nghị định 96/2014 để xử phạt Vi phạm hành chính đối với cá nhân đổi ngoại tệ với số tiền 100 USD là không sai. Tuy nhiên, quy định pháp luật này cần phải được sửa đổi bổ sung cho sát với thực tế để đi vào cuộc sống, vì tồn tại nhiều bất cập.

“Bởi vấn đề là kiểm soát điểm kinh doanh, chứ không phải là cá nhân có nhu cầu nhỏ lẻ. Trong giao dịch hằng ngày, có nhiều trường hợp như lì xì, tặng cho nhau với lượng nhỏ USD, nếu có nhu cầu đổi thì xử lý cũng không ổn về thực tiễn đối với quy định pháp luật này”, ông Đức nói.

Nhiều chuyến tàu lỗ nặng, công ty phải bù hàng chục tỷ đồng

Những chuyến tàu vắng khách nhưng vẫn phải chạy.

Giám đốc công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp cho hay, năm 2017 công ty đã phải bù lỗ 21 tỷ đồng cho các chuyến tàu chạy lỗ. Do vậy, đơn vị đã phải dừng hoạt động tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và giảm tần suất tuyến Hà Nội - Hạ Long.

Cụ thể, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng doanh thu mỗi chuyến chỉ khoảng 4 triệu đồng, Hà Nội – Thái Nguyên chỉ 3 triệu đồng, thậm chí tuyến Hạ Long - Hà Nội mỗi chuyến chỉ thu được 1,9 triệu.

Doanh thu thấp, trong khi chi phí vận hành cho hạ tầng, sức kéo, sửa chữa toa xe; trả lương cho công nhân… bình quân phải 10,4 triệu đồng/chuyến.

“Với tần suất tàu chạy tất cả các ngày như hiện nay, ước tính mỗi năm công ty phải bù thêm hàng chục tỷ đồng. Mức lỗ này chưa tính khoản trợ giá phí hạ tầng, phí đầu kéo và phí vận hành được Tổng công ty hỗ trợ”, ông Hiệp nói.

Thế nhưng, sau khi dừng hoạt động, các địa phương có tuyến đường sắt đi qua yêu cầu hoạt động trở lại nên Tổng công ty Đường sắt buộc phải cho tăng tần suất chạy tàu tất cả các ngày trong tuần như trước.

Do đó, hiện tại, công ty CP Đường sắt Hà Nội vẫn phải duy trì tàu chạy với điều kiện giảm tối đa chi phí vận hành để phục vụ đi lại của người dân trên tuyến.

Nửa triệu đồng một chiếc mặt nạ kinh dị mùa Halloween

Mặt nạ da Zombie máu phân hủy có giá lên đến 500.000 đồng.

Thị trường Halloween tại TPHCM đang sôi động hơn bao giờ hết bởi “giờ G” đã cận kề. Tại khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), các bạn trẻ đi vào các cửa hàng bán đồ hóa trang như “trảy hội”. Điều thú vị ở chỗ, những loại trang phục, mặt nạ nào càng thể hiện được độ "ma quái", kinh dị thì càng đắt tiền và "hút khách".

Đại diện một cửa hàng chuyên bán đồ hóa trang trên đường Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ, lượng khách trong mùa Halloween tăng gấp 5-7 lần so với ngày bình thường. Giá cả hàng hóa cũng tăng từ 20-30% so với thời điểm cách đây vài tuần do nhu cầu tăng cao.

Mặt hàng bán chạy nhất vẫn là quần áo ma quỷ và mặt nạ. Quần áo cho ngày Halloween có giá dao động từ 180.000 – 350.000 đồng, tùy vào độ tuổi và chất liệu. Mặt nạ có giá từ 50.000 – 200.000 đồng/chiếc, riêng loại mặt nạ da Zombie máu phân hủy có giá lên đến 500.000 đồng.

Theo anh Nguyễn Thành Long, một người chuyên bỏ sỉ đồ hóa trang tại khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) thì hầu hết các cửa hàng đang bán đồ hóa trang do Trung Quốc sản xuất vì giá thành nhập vào rẻ. Tuy nhiên, khi bán cho khách thì nhân viên sẽ thông tin là hàng của Hồng Kông hay Đài Loan sản xuất, thậm chí còn “lừa” là hàng Việt Nam để “bắt gà”.

“Giờ mà nói là hàng Trung Quốc thì nhiều người sẽ e ngại và do dự lắm. Khách mà không ưa là cửa hàng bị ép giá lại liền à, nên không có mấy người dám nói sự thật đâu”, anh Long nói.

Hồng Vân (Tổng hợp)

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *