Thời sự 02/12/2022 15:03

Doanh nghiệp sản xuất than thiếu vốn, chuyên gia nói do "chơi chiêu"?

Chuyên gia tài chính khẳng định nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không "chơi chiêu" sẽ không bao giờ bị thiếu vốn làm ăn.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kêu thiếu vốn để làm ăn và không tiếp cận được tín dụng ngân hàng. Họ cho rằng họ bị vạ lây từ bất động sản. Nhưng chuyên gia tài chính lại khẳng định, nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không "chơi chiêu" sẽ không bao giờ bị thiếu vốn làm ăn.

Doanh nghiệp kêu bị vạ lây từ bất động sản

Tại một sự kiện diễn ra gần đây, bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Mebi group - cho biết, không một doanh nghiệp nào trong quá trình sản xuất kinh doanh lại không muốn phát triển và muốn phát triển ngắn, dài hay trung hạn thì đều rất cần vốn.

Dù thế, theo bà, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang bị vạ lây từ bất động sản. Vì ngân hàng siết room với bất động sản nên doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như bà cũng bị vạ lây suốt nhiều tháng qua.

Bà Ái cho biết, có thông tin rằng đến tháng 1/2023 nút thắt room tín dụng sẽ được tháo gỡ nhưng câu chuyện thực tế không rõ ra sao. Bà dẫn chứng, trước đó ngân hàng đã có những động thái như tăng lãi suất, rồi lại hứa rằng qua tháng 9 sẽ khác, tháng 10 khác, tháng 11 khác và bây giờ là tháng 12 rồi, doanh nghiệp vẫn chưa thấy gì khác. 

Doanh nghiệp sản xuất than thiếu vốn, chuyên gia nói do chơi chiêu? - 1

Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kêu thiếu vốn để làm ăn và không tiếp cận được tín dụng ngân hàng (Ảnh: Mạnh Quân).

"Tôi là một doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang không vay được vốn từ ngân hàng vì hết hạn mức cho vay. Lấy cơ sở gì để chúng tôi tin rằng room tín dụng sẽ được mở?", bà Ái bày tỏ.

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… chơi chiêu?

TS Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, vấn đề ngân hàng không giải ngân hiện nay có nguyên nhân chủ yếu từ bất động sản.

Ông Linh cho biết, GDP một năm nếu tốt cũng chỉ tăng trưởng được 5-8%, còn tăng trưởng tín dụng cao nhất cũng chỉ gấp 2 lần GDP, tức khoảng 17%. Trong khi nhu cầu vốn của ngành bất động sản hiện nay tăng hàng năm lớn hơn mức tăng trưởng tín dụng gấp rất nhiều lần, mà hầu hết bất động sản đó đều dùng vốn từ ngân hàng.

Vậy thì tiền ở đâu. Theo ông Linh, khi ngân hàng quyết định cấp tín dụng, họ luôn giữ một tỷ lệ an toàn khi cho vay bất động sản chứ không cho vay nhiều. Có một sự thật cần nhìn rõ là hầu như các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp mang tính chất gia đình. Vấn đề tài sản của cá nhân và tài sản của công ty không được rạch ròi.

Câu hỏi quan trọng đặt ra là các chủ doanh nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ có đầu tư bất động sản không. Theo ông Linh là có. Thay vì nguồn vốn vay được từ ngân hàng để kinh doanh, chủ doanh nghiệp lại lấy nguồn vốn đó để đi đầu tư bất động sản. Vậy là vốn từ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chuyển qua đầu tư bất động sản. Sau đó, doanh nghiệp lại lấy danh nghĩa công ty sản xuất dịch vụ thương mại để vay vốn của ngân hàng.

Vì vậy, trong sổ sách của ngân hàng là cho vay để sản xuất kinh doanh nhưng thực tế là vay để đầu tư vào bất động sản. Vậy bản chất khó khăn về vốn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiện nay phần lớn là do họ tự dịch chuyển nguồn vốn từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp qua bất động sản.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang ưu tiên cho các doanh nghiệp thương mại dịch vụ vay thay vì cho bất động sản vay. Như vậy, qua năm mới, việc dịch chuyển dòng vốn qua bất động sản sẽ không xảy ra nữa.

Doanh nghiệp sản xuất than thiếu vốn, chuyên gia nói do chơi chiêu? - 2

Các ngân hàng thương mại hiện ưu tiên cho các doanh nghiệp thương mại dịch vụ vay thay vì cho bất động sản (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngân hàng sắp đến lúc năn nỉ doanh nghiệp vay tiền

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho biết, bắt đầu từ tháng 1/2023, chúng ta sẽ có room tín dụng mới, ít nhất 14%. Trong khi đó, từ tháng 10 đến tháng 11 năm nay, các chuyên gia chỉ mong muốn Nhà nước cho thêm 1-2% tăng trưởng tín dụng là đủ cho nền kinh tế vận hành khỏe.

"Chỉ còn 1 tháng nữa là tới tháng 1/2023, khi đó chúng ta có tăng trưởng tín dụng tới 14%, thậm chí có thể là 15%, nền kinh tế chắc chắn được cởi trói, trong đó chắc chắn có danh mục sản xuất kinh doanh. Vì trong 6 danh mục ưu tiên cho vay có danh mục về sản xuất kinh doanh", ông Hiển khẳng định.

Theo ông, bắt đầu từ quý I/2023, những công ty nào không được cho vay vốn lưu động thì những công ty đó có vấn đề rủi ro lớn về sản xuất kinh doanh. Ngược lại, những công ty sản xuất kinh doanh có mức độ rủi ro bình thường nhưng gặp "kiếp nạn" là bị siết tín dụng năm 2022 nên bị giảm vốn lưu động, thì năm 2023 chắc chắn vốn sẽ trở về ít nhất 80% định mức của doanh nghiệp, bắt đầu từ quý I.

Theo ông Hiển, đến quý II, có khả năng nhiều ngân hàng còn tới năn nỉ doanh nghiệp đang kinh doanh tốt vay vốn lưu động khi mà dòng vốn vào bất động sản đã được kiểm soát một cách chuẩn hóa.

HoREA đề xuất khẩn trương nới trần tín dụng thêm 1% 

Chiều 1/12, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất nới trần tín dụng thêm 1% trước Tết Quý Mão.

Theo ông Châu, một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà.

Hiệp hội nhận thấy trong 11 tháng đầu năm nay, chỉ số CPI chỉ tăng 3,02%, khả năng cả năm 2022 thì CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đề ra, thu ngân sách Nhà nước đạt 116% kế hoạch cả năm cho thấy nền kinh tế nước ta có sức chống chịu khá vững chắc và đang trong quá trình phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1% (nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15%) để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng cuối năm đến trước Tết Quý Mão 2023.

Nguyễn Văn Hải

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *