• -
Đầu tư 07/08/2014 08:47

Vươn tới lằn ranh sống tối thiểu

Vậy là còn thiếu 25% nữa người lao động mới nhận được đồng lương tối thiểu để sống được ở mức tối thiểu.

Với 63% số thành viên bỏ phiếu tán thành, sáng 6.8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 từ 300.000 - 400.000 đồng, trình Thủ tướng Chính phủ. Với mức này, lương tối thiểu ở mỗi vùng đều thấp hơn 100.000 đồng so với phương án được Tổng LĐLĐVN đưa ra.

Vậy là còn thiếu 25% nữa người lao động mới nhận được đồng lương tối thiểu để sống được ở mức tối thiểu.

Cũng là 100.000 đồng, nhưng số tiền này có khoảng cách rất xa giữa người giàu và người nghèo. Chưa kể người giàu, với người đủ ăn đủ mặc, thì 100.000 đồng là nhỏ. Nhưng với công nhân nghèo, 100.000 đồng lại lớn. Đơn giản thôi, 100.000 đồng của người thu nhập 20 triệu đồng/tháng khác với 100.000 đồng của người thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Còn người giàu có, 100.000 đồng là “con muỗi”. Nhưng con muỗi của người giàu là miếng thịt bò để nâng mức sống của người nghèo “vươn tới lằn ranh tối thiểu”.

Dù mức lương tối thiểu vùng năm 2015 dự kiến sẽ tăng bình quân ở mức 15,1% so với năm 2014, nhưng được như vậy cũng là một sự cố gắng từ nhiều phía, trong đó có sự vào cuộc của Tổng LĐLĐVN. Tổ chức công đoàn đã sát cánh bên người lao động, đã bằng mọi cách để công nhân có thêm được một ít tiền. 15,1% của vài triệu đồng quả thật là một ít. Nhưng một ít này cũng có ý nghĩa với người nghèo.

Chỉ cần thêm 100.000 đồng nữa để người nghèo dần vươn tới lằn ranh sống tối thiểu mà vẫn chưa làm được là điều mà tổ chức công đoàn không thể yên lòng. Bởi vì, khi mức lương năm 2015 chưa đạt mức đề ra, thì lộ trình tăng lương của năm sau và năm sau nữa sẽ khó đạt được như cam kết.

Cho nên, Tổng LĐLĐVN vẫn phải tiếp tục vào cuộc, để giúp người lao động nghèo đòi cho được cái quyền được nhận lương tối thiểu ngang bằng với mức sống tối thiểu vào năm 2017.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - phát biểu: “Nguyên tắc của hội đồng là bỏ phiếu biểu quyết và lựa chọn theo đa số. Tuy nhiên, đây mới là mức đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia – cơ quan tư vấn cho Thủ tướng. Tới đây, hội đồng tiền lương sẽ báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng sẽ lấy ý kiến của các cơ quan. Lúc đó, Tổng LĐLĐVN tiếp tục có văn bản kiến nghị với Thủ tướng, để xem xét thêm cơ sở đề nghị của chúng tôi”.

Tổ chức công đoàn vẫn kiên trì và quyết liệt vì người lao động. Hy vọng người lao động nghèo sẽ có thêm 100.000 đồng cho mỗi tháng nhọc nhằn.

Theo Lê Thanh Phong

Lao động

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *