Đầu tư 31/12/2013 07:05

Vốn FDI và chuyện được - mất

Hơn 25 năm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến Việt Nam, bên cạnh những điểm tích cực, một số ảnh hưởng tiêu cực của nguồn vốn này đối với nền kinh tế Việt Nam đã được nhìn nhận một cách thẳng thắn hơn.

 

Ông Phan Hữu Thắng.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài xung quanh vấn đề này.

Mặc dù được ưu đãi mạnh mẽ nhưng vốn FDI đã bộc lộ những tiêu cực, có tác động bất lợi cho kinh tế Việt Nam và đời sống người dân. Theo ông, nếu đặt lên bàn cân lợi - hại, mức độ chênh lệch của nguồn vốn này thời gian qua như thế nào?


Năm 2013 đã qua, trong bối cảnh kinh tế trong nước phát triển hết sức khó khăn, mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,42% thấp hơn mục tiêu đặt ra, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận. Vốn đăng ký đạt 21,6 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 11,5 tỷ USD, vượt đáy suy giảm 2012 giai đoạn 2009- 2012, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của kinh tế 2013.

Trong quá trình hơn 25 năm, ngoài việc hàng năm có tổng kết đánh giá về kết quả hoạt động FDI, còn có nhiều hội nghị đánh giá về FDI chung và trên từng lĩnh vực, địa bàn. Các đợt sửa đổi, điều chỉnh luật, các đợt tổng kết đều được xem xét, đánh giá cụ thể để tìm ra các giải pháp thích hợp cho hiệu quả thu hút nguồn vốn này trong giai đoạn tiếp theo. 

Một đánh giá tổng quát nhất về tác động của FDI đến nền kinh tế Việt Nam suốt hơn 25 năm qua được xác nhận “Lợi là chủ yếu, hại là thứ yếu và tất yếu trong quá trình phát triển”. 

Khi đánh giá vấn đề này, cần lưu ý là cái xấu dù ít nhưng luôn được lan truyền nhanh, còn cái tốt dù lớn nhưng nhiều khi bị bỏ qua, đôi khi lại còn không được công nhận. Chẳng hạn, số doanh nghiệp FDI bỏ trốn, chuyển giá, trốn thuế chỉ là tối thiểu nhưng có những thời kỳ được thông tin nhiều hơn so với đa số các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và có đóng góp lớn cho ngân sách.

Nguyên nhân để xảy ra cái hại - cái xấu không phải do bản thân nguồn vốn, mà đây là khu vực kinh tế cần được khuyến khích phát triển. Lỗi do chính con người (bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài) trong bộ máy quản lý đã để xảy ra cái hại như tình trạng ô nhiễm môi trường, lợi dụng chuyển giá để tránh thuế, ngược đãi người lao động, giữ đất, sử dụng lãng phí tài nguyên, phá vỡ quy hoạch... đã không được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Đánh giá mặt tích cực và tiêu cực của FDI là câu chuyện lâu dài. Xin ông cho biết dự đoán về triển vọng thu hút vốn FDI cũng như tác động đối với kinh tế Việt Nam thời gian tới?

Trong những năm tới, một số vấn đề sau đây sẽ có ảnh hưởng tới lượng và chất của nguồn vốn này. Đó là khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư Việt Nam nói riêng. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi các giải pháp tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả và quản lý nguồn vốn này trong giai đoạn tới đã được nêu rõ tại Nghị quyết 103/NQ-CP (29/08/2013) của Chính phủ.

Các vấn đề cụ thể khác là việc xem xét, chấp thuận về chủ trương đầu tư đối với một số dự án có qui mô lớn trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP), các dự án đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, giải trí vui chơi có thưởng, y tế, giáo dục, phân phối và bán buôn bán lẻ. 

Bên cạnh đó, phải tính đến kết quả đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và khả năng thực tế của Việt Nam khi tham gia.

Với nhiều vấn đề còn ngổn ngang của kinh tế 2013 nói chung và FDI nói riêng chưa giải quyết được phải chuyển sang 2014 xử lý tiếp, cho thấy đà tăng trưởng cả về lượng và chất của FDI 2013 có duy trì được hay không là một thách thức lớn trong năm 2014. Khả năng FDI 2014 đạt được mức 2013 là khó. 

Về tác động sắp tới của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, có thể nói nguồn vốn này vẫn tiếp tục có các đóng góp tích cực đối với kinh tế Việt Nam như đã đóng góp trong giai đoạn vừa qua.

Để nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103 ngày 29/8. Đã 4 tháng trôi qua, ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của Nghị quyết này?

Nghị quyết 103 là một văn bản pháp lý quan trọng nhất hiện nay đối với việc hoàn thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn này vào Việt Nam với chất lượng, hiệu quả cao hơn. Đây được xem là thông điệp mới của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn tới. 

Do vậy các vấn đề, đề án cần thực hiện nêu tại Nghị quyết 103 không những lớn mà còn phức tạp, lại đòi hỏi phải thực hiện gấp. Có tới 60 đề án được Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai xong trong 2013-2014. Trong đó 50% số đề án cần hoàn thành trong năm 2013. 

Đến nay, tuy chưa có báo cáo chính thức về kết quả triển khai Nghị quyết 103, nhưng có thể thấy số đề án đã hoàn thành không nhiều. Điều này cho thấy khả năng Nghị quyết 103 sẽ không được hoàn thành đúng hạn. Chậm trễ trong xử lý các vấn đề về chính sách dễ dẫn đến “Nợ xấu chính sách” gây tổn hại tới hiệu quả thu hút nguồn vốn này trong giai đoạn tới.

Theo Lê Hường

VnEconomy

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *