Đầu tư 02/03/2015 14:03

Vốn đầu tư Nhật giảm mạnh ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia

FICA - Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (Jetro) vừa đưa ra báo cáo về đầu tư năm 2014 của Nhật, theo đó vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam giảm hơn 65%. Tại các nước Indonesia và Thái Lan vốn đầu tư của Nhật Bản cũng giảm mạnh

Đây là thực tế trái ngược với những cam kết của các doanh nghiệp Nhật Bản về việc mở rộng đầu tư và kinh doanh tại 3 nước nhận được nhiều vốn đầu tư nhất của Nhật Bản trong vòng 1 thập kỷ qua.

 

Vốn đầu tư Nhật đang giảm mạnh trong năm thứ 2 liên tiếp

 

Tại Việt Nam, năm 2014 vốn đầu tư trực tiếp (FDI) cấp mới và tăng thêm của Nhật giảm 65% từ mức 5,87 tỷ USD (2013) xuống còn 2,05 tỷ USD năm 2014. Với đà giảm này, xét về đối tác đầu tư vào Việt Nam năm 2014, Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ 4 sau Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore. Đây cũng là vị trí thấp nhấp của các nhà đầu tư Nhật Bản sau nhiều năm chiếm vị trí quán quân và á quân.

 

Tại Indonesia, vốn FDI của Nhật Bản cũng giảm mạnh chỉ còn 2,7 tỷ USD năm 2014 so với tổng vốn 4,7 tỷ USD năm 2013. Đầu tháng 2/2015 theo The Wall Street Journal, đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan năm 2014 đã giảm 37% so với cùng kỳ năm 2013. Năm 2013, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan.

 

Theo Jetro, các nguyên nhân suy giảm đầu tư của Nhật tới Thái Lan, Indonesia là do bối cảnh chính trị bất ổn của Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2013, bầu cử tại Indonesia năm 2014 và những trận lũ lụt thiên tai ở phía nam của Thái Lan. Số liệu suy giảm đầu tư của Nhật Bản vào các nền kinh tế vốn được coi là nơi hấp thụ nhiều vốn của Nhật từ 2 năm trở lại đây (2013  -2014) đã khiến ngày càng nhiều nghi ngờ về triển vọng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Năm 2014 và đầu năm 2015, các cuộc khảo sát của Jetro, triển vọng mở rộng kinh doanh và cam kết mở rộng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là hơn 60%, tại các quốc gia ASEAN là hơn 73%. Tuy nhiên, thực tế đang khiến nhiều người hoài nghi.

 

Theo Jetro, sự suy giảm đáng ngạc nhiên (65%) vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2014 là do hệ thống chính sách của Việt Nam chưa hoàn thiện, vấn nạn tham nhũng tại các dự án đầu tư có liên quan đến ODA, chính sách tăng lương.

 

Tuy nhiên, theo giới quan sát thì việc giảm đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng như hai nước Indonesia, Thái Lan bên cạnh vấn đề nội tại của các nước nhận đầu tư thì các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là yếu tố đồng Yên của Nhật đang mất giá so với đồng USD.

 

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): “Vốn đầu tư Nhật giảm tại Việt Nam trong hai năm trở lại đây do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến yếu tố đồng Yên mất giá, chính sách phát triển của Chính phủ mới của Nhật: kêu gọi các doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh đầu tư kinh doanh ở trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng,  giải quyết việc làm và đồng thời tránh các rủi ro về chính trị ở 1 số quốc gia như Thái Lan, Indonesia vừa qua”.

 

Bên cạnh việc giảm đầu tư tại ba quốc gia Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: Lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đã chạm đáy vì lợi nhuận thị trường của các nước nhận nhiều vốn đầu tư đang ngày càng ít đi. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng cường đầu tư vào Campuchia, Myanma ở các lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ bán lẻ… vì đây là thị trường có mức sinh lợi cao hơn.

 

Nhận định về Việt Nam, GS Mại cho biết: tuy giảm đầu tư trong hai năm nay nhưng tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vẫn là lớn nhất. Chưa đối thủ nào kể cả Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore sánh bằng. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam được xem là “hiện tượng” của năm 2014 nhưng nó cũng là hiện trạng diễn ra đối với các nhà đầu tư Nhật Bản khi mới bước chân vào Việt Nam mấy năm trước đây. Việc suy giảm đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản có liên quan đến sự cạnh tranh của các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc trong các ngành trọng tâm như chế tạo và chế biến.

 

“Trong thời gian gần đây, có đến hơn 60% các doanh nghiệp Nhật Bản cam kết sẽ mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Sự suy giảm đầu tư hiện nay do vấn đề nội tại của Nhật như: Chính sách kích thích đầu tư, tăng xuất khẩu trong nước của ông Abe qua biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm giá đồng Yên… Và dự báo các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ sớm trở lại bởi từ năm 2015 trở đi Việt Nam cùng 1 số các quốc gia ASEAN sẽ mở cửa rất rộng thông qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và việc Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết hoàn tất sẽ mở ra cơ chế đầu tư cũng như các ưu đãi tốt hơn dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam”, Gs Nguyễn Mại cho biết.

 

Về than phiền chính sách, tham nhũng và quản lý vốn đầu tư ODA chưa tốt dẫn đến suy giảm vốn đầu tư, theo nhiều chuyên gia kinh tế nguyên nhân này có và đúng là luật Việt Nam còn nhiều điểm bất cập và chưa hợp lý. Quan trọng nhất là trong năm 2014, Việt Nam đã trình Quốc hội thông qua hai luật quan trọng là Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu Tư. Những thay đổi mang tính chính sách dù tốt nhưng cũng có tác động đến sản xuất và kinh doanh của họ, đặc biệt là chiến lược phát triển và đầu tư của doanh nghiệp.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *