Đầu tư 02/12/2014 07:27

Việt Nam có thêm “5 điểm cộng” trong mắt doanh nghiệp Châu Âu

FICA - Cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở, cải cách thời gian nộp thuế, triển vọng ký kết hiệp định thương mại song phương FTA giữa EU và Việt Nam năm 2015…

Đây là 3 trong 5 điểm cộng lớn nhất mà cộng đồng hơn 850 doanh nghiệp Châu Âu, Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) giúp cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong Sách Trắng về Các vấn đề Thương mại, Đầu tư và Kiến nghị 2015 vừa được công bố tối ngày 1/12 tại Hà Nội.

 

Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố Sách Trắng về Các vấn đề Thương mại, Đầu tư và Kiến nghị 2015

 

Hai điểm cộng còn lại được các doanh nghiệp Châu Âu đánh giá là cam kết và thực thi cam kết các lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong khuôn khổ WTO của Việt Nam và việc Việt Nam tham gia đầy đủ vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 sẽ là cửa ngõ cho hàng hóa Châu Âu vào các nước Đông Nam Á.

 

Cụ thể, theo Sách trắng 2015, Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của Việt Nam được điều tra lần thứ 16 theo đánh giá của các doanh nghiệp Châu Âu là đã được cải thiện. Quý 3/2014, chỉ số BCI đã lên đến 74 điểm trong thang điểm cao nhất là 100. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay, sau khi chỉ số BCI tăng điểm từ đầu năm đến nay, quý I/2104 đạt 59 điểm, quý II/2014 đạt 66 điểm. Đây là tín hiệu rất lạc quan bởi trong suốt 4 quý của 2 năm 2012 – 2013, chỉ số BCI chỉ dừng lại ở điểm số 50 hoặc dưới 50 điểm - mức độ đánh giá môi trường kinh doanh trung bình trong thang điểm của EuroCham.

 

Theo bà Nicola Connolly, Chủ tịch EuroCham, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Việc Quốc hội Việt Nam thông qua dự luật cho người nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã thực sự cởi bỏ nút thắt quan trọng đối với nhiều doanh nhân, chuyên gia và những người nước ngoài đã đang sống, mong muốn sống và làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các cải cách của Luật Đầu tư sửa đổi, luật Doanh nghiệp sửa đổi, chính sách giảm thời gian nộp thuế cũng là những động lực giúp tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.

 

Ngoài các lý do chủ quan, nguyên nhân khách quan nâng cao niềm tin cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu với môi trường kinh doanh tại Việt Nam là triển vọng hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) giữa Việt Nam với EU vào năm sau. Nếu hiệp định này được ký kết, các loại thuế được xóa bỏ và các hàng rào về lĩnh vực thương mại, dịch vụ sẽ được cắt bỏ… các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc kinh doanh và làm ăn tại Việt Nam. Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia của EuroCham, việc ký kết FTA Việt Nam – EU là điều kiện cực kỳ thuận lợi, biến Việt Nam trở thành cửa ngõ cho các hàng hóa của các nước liên minh Châu Âu vào các nước ASEAN khi năm 2015 Việt Nam và 9 quốc gia khác sẽ thực thi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

 

 

Theo Sách Trắng năm 2015, chỉ riêng việc xóa bỏ các rào cản thuế quan thông qua đàm phán đã giúp xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 30% - 40% và xuất khẩu từ EU sáng Việt Nam tăng 25% - 30%. Theo số liệu Xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2014 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Việt Nam xuất siêu 16.8 tỷ USD với thị trường EU, trong 3 năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất siêu vào thị trường này, mới đây nhất năm 2013, EU là đối tác xuất khẩu số 1 của Việt Nam, và Việt Nam xuất siêu vào thị trường này đạt 15,2 tỷ USD.

 

Ngoài ra, các chuyên gia của EuroCham cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu đánh giá cao lộ trình thực hiện các cam kết hội nhập WTO trong các lĩnh vực cải cách thể chế, hành chính và các vấn đề về giấy phép lao động, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ và đăng ký kinh doanh…

 

Theo ông Franz Jesssen - Đại sứ của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, vấn đề cải cách thuế năm 2014 của Việt Nam bằng 4 năm trước cộng lại và Việt Nam được đánh giá rất cao về tiến bộ cải cách thuế, đặc biệt là cam kết thu hẹp thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp xuống thấp. Đây là lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp EU mà cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cho Việt Nam.

 

Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, EuroCham cũng đưa ra những tồn tại cố hữu của Việt Nam chậm được sửa đổi và cải thiện, trong đó Việt Nam có bước tiến rất chậm trong cải cách khu vực hành chính, thiếu công bằng trong cách tiếp cận và thụ hưởng chính sách, pháp luật và thông tin. EuroCham đặc biệt quan ngại vấn đề Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, đặc biệt sở hữu trong lĩnh vực bản quyền phần mềm công nghệ thông tin, sáng chế kỹ thuật… Nếu các yếu tố cải cách về thể chế kinh tế, đặc biệt là thủ tục hành chính thì Việt Nam sẽ không tận dụng được các lợi thế của hội nhập với EU, ASEAN mang lại.

 

Theo các  chuyên gia của EuroCham, nộp thuế tại Việt Nam hiện vẫn chậm gấp từ 4 – 5 lần so với các nước ASEAN, các DN nước ngoài vẫn phải mất từ 6 – 8 tháng kể từ khi đăng ký đầu tư, kinh doanh đến lúc nhận được giấy phép kinh doanh, đầu tư. Đây là điều khiến nhiều DN nản lòng và những kiến nghị chưa được thực sự đổi mới…

 

Đây là lần thứ 7, EuroCham công bố Sách Trắng về Các vấn đề Thương mại, đầu tư và Kiến nghị. Sách Trắng là tổng hợp quan điểm, đóng góp của 850 doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Hàng năm, Sách Trắng đưa ra các quan điểm, kiến nghị về chính sách, môi trường đầu tư của các DN EU tại Việt Nam và đã được các cơ quan hữu quan Việt Nam đánh giá rất cao và coi đây là đối thoại để trao đổi, góp ý và sửa đổi các chính sách về môi trường đầu tư tại Việt Nam tốt hơn.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *