Đầu tư 17/04/2015 11:20

Vì sao vốn FDI vào Đà Nẵng liên tục sụt giảm?

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng năm 2014 đã giảm gần 1 nửa so với năm trước đó.

Nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đứng đầu về sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và có môi trường đầu tư khá hấp dẫn. Thế nhưng, những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố này liên tục sụt giảm; năm ngoái đã giảm gần 1 nửa so với năm trước. Đến thời điểm này, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan.

 

Xưởng lắp ráp Công ty TICE VN đóng tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh- TP Đà Nẵng

Xưởng lắp ráp Công ty TICE VN đóng tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh- TP Đà Nẵng

 

Làn sóng đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng sôi động vào những năm 2005- 2009, chủ yếu là các dự án bất động sản và du lịch. Thời điểm đó, Đà Nẵng thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt con số kỷ lục, hơn 2,1 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với trước đó. Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay, khi thị trường bất động sản đóng băng, vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng giảm mạnh; riêng năm 2014, giảm gần 50% so với các năm trước.

 

Theo ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thành phố Đà Nẵng, bên cạnh những yếu tố bất lợi do kinh tế thế giới hồi phục chậm, sức mua yếu, nguyên nhân sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng là do thành phố chủ trương thu hút có chọn lọc. Thành phố Đà Nẵng đã từ chối nhiều dự án không bảo đảm yếu tố phát triển bền vững. Trong đó có dự án nhà máy dệt nhuộm của Tập đoàn Dệt may Hồng Kông, vốn đầu tư 200 triệu USD và một dự án của Hàn Quốc vì không bảo đảm môi trường.

 

Ông Minh cho rằng: “Chúng ta đầu tư có chọn lọc các dự án lớn thì họ cũng tự chọn lọc lại chúng ta. Họ không chỉ yêu cầu đất không thôi mà còn cơ sở hạ tầng đi theo. Chính sách ưu đãi đầu tư thực sự chưa có gì hấp dẫn, chỉ ưu đãi trên cơ sở luật cho phép thôi. Trong khi quanh chúng ta có nhiều khu kinh tế, họ có chính sách ưu đãi đặc biệt. Khi quảng bá về thu hút đầu tư, họ hỏi tôi thành phố có ưu đãi đặc biệt gì, về thuế chúng tôi không nói được.”

 

Các siêu dự án đắp chiếu nằm liền kề trong trung tâm TP Đà Nẵng

Các siêu dự án đắp chiếu nằm liền kề trong trung tâm TP Đà Nẵng

 
Hiện nay, quỹ đất thành phố Đà Nẵng còn rất ít. Hầu hết đất du lịch ven biển đã có chủ. Thực tế có nhiều nhà đầu tư "găm" đất chờ cơ hội sang nhượng kiếm lời. Hiện có 60 dự án du lịch ven biển được cấp phép và bàn giao đất, một số dự án cấp phép cả chục năm nay vẫn chưa triển khai. Hàng trăm héc ta đất "vàng" ven biển, khu vực nội thành cũng bỏ hoang, trong khi nhiều doanh nghiệp khác muốn vào cũng không được.
 

Ông Thái Bá Cảnh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, diện tích qui hoạch khu công nghệ cao hơn 1.130 ha nhưng mới triển khai hơn 100 ha; nhiều nhà đầu tư đến, trực tiếp khảo sát rồi bỏ đi nơi khác.

 

“Trước đây, các Ban Quản lý chúng tôi được phép chứng nhận đầu tư kiêm luôn đăng ký kinh doanh, một cửa thôi, thậm chí chúng tôi đi làm dấu cho họ luôn. Bây giờ, chúng tôi chỉ làm mỗi việc là chứng nhận đầu tư mà không được đăng ký kinh doanh. Như vậy, khi chứng nhận đầu tư xong nhà đầu tư lại qua Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đăng ký kinh doanh. Như vậy có 2 giai đoạn thì nhà đầu tư phải đi tới đi lui, nhà đầu tư lại vất vả. Tôi cho rằng như thế là thụt lùi, chứ không phải đi tới,” ông Cảnh nói.

 

Dự án Golden Square của Công ty CP địa ốc Đông Á ngưng triển khai nhiều năm nay.

Dự án Golden Square của Công ty CP địa ốc Đông Á ngưng triển khai nhiều năm nay.

 
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, thành phố này cần tiếp cận với nhà đầu tư mới và quản lý chặt chẽ dự án đã cấp phép. Mặt khác phải xử lý kịp thời vướng mắc đối với dự án mang tính chiến lược; sớm hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghệ cao.
 

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cho rằng: “Hàng trăm ha đất ven biển, khu vực trọng điểm thành phố bây giờ “đắp mền” nằm đó, không sử dụng. Nếu để như vậy lãng phí vô cùng. Có nhiều dự án 12 năm rồi không thực hiện. Thực chất người ta không có năng lực đầu tư. Chúng ta phải có quỹ đất, kiến nghị thành phố quyết liệt thực hiện vấn đề này. Quy định của luật nếu dự án không sử dụng trong vòng 12 tháng hoặc dự án chậm tiến độ 24 tháng thì có quyền thu hồi.”

 

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố tập trung thực hiện 5 giải pháp chính, trước hết là thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những dự án có lợi thế, phù hợp với chiến lược của Đà Nẵng là chú trọng dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp-công nghệ cao.

 

Ông Viết khẳng định, thành phố sẽ ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp để giữ chân các nhà đầu tư và xử lý mạnh tay đối với các dự án chây ì. “Chúng tôi đã tập trung rà soát tất cả các dự án ven biển cũng như dự án trong nội đôi, yêu cầu các nhà đầu tư phân kỳ, cam kết đầu tư. Nếu như nhà đầu tư nào không thực hiện đúng cam kết, thực sự họ không có năng lực thì cũng thực hiện theo Luật Đất đai và Luật Đầu tư, nhường dự án đó lại cho tổ chức khác có lợi thế và tiềm năng hơn,” ông nói.

 

Thành phố Đà Nẵng từng là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, được nhiều địa phương tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Bây giờ, Đà Nẵng lại đang nỗ lực tìm kiếm cách làm mới để cải thiện tình hình thu hút đầu tư đang trong giai đoạn trầm lắng./.

Theo Đình Thiệu
VOV
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *