Đầu tư 19/02/2015 09:53

Vì sao người Nhật thành công ở Việt Nam?

Nhiều doanh nghiệp Nhật đã có mặt tại Việt Nam và đang ăn nên làm ra tại thị trường này.

Hiểu thị trường

Một cuộc khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2014 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy, hơn 62% số doanh nghiệp Nhật Bản xác nhận làm ăn có lãi và 66% DN có ý định mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian tới. 

Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, họ có niềm tin môi trường kinh doanh được cải thiện tình hình chính trị, xã hội ổn định; cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia…

Thời báo Kinh tế Việt Nam đã thực hiện loạt bài phỏng vấn một số doanh nhân Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam. Những chia sẻ của họ cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản tỏ ra rất am hiểu thói quen, cách suy nghĩ của người Việt.

Ông Okada Kiyoshi, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC).
Ông Okada Kiyoshi, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC).

Là công ty lớn nhất trong dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ tại Nhật Bản và chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng là những người Nhật và các công ty Nhật Bản tại Việt Nam, nhưng từ năm 2014, Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) bắt đầu hướng về khách hàng Việt Nam

Ông Okada Kiyoshi (51 tuổi), Tổng giám đốc UIC nhận ra khác biệt lớn nhất trong cách suy nghĩ về bảo hiểm giữa Việt Nam và Nhật Bản, đó là, đối với người Việt Nam, ôtô là món hàng mua rất đắt tiền, nó không chỉ là một món hàng mà là “một phần tài sản”. 

"Người Nhật mua bảo hiểm cho xe chỉ nghĩ rằng “khi gặp tai nạn thì sẽ có bảo hiểm bồi thường”, tuy nhiên đối với người Việt, họ mua bảo hiểm với ý nghĩ “bảo vệ khối tài sản quý giá của mình”.

Ông cho biết, tại Việt Nam, phương tiện giao thông chủ yếu vẫn là xe gắn máy, vậy mà tỉ lệ tham gia bảo hiểm của xe gắn máy mặc dù là bị bắt buộc tham gia vẫn dao động ở mức 40% là nhiều. 

"Lý do thì rất nhiều nhưng có lẽ vì người ta không cần tham gia bảo hiểm cũng có thể mua được xe máy, hoặc có mua bảo hiểm nhưng khi hết hạn vẫn không có thông báo nào nhắc khiến cho việc gia hạn bị bỏ quên. 

Việc này chứng tỏ thói quen về bảo hiểm vẫn chưa được hình thành, người ta vẫn còn chưa tận dụng hết được ý nghĩa của bảo hiểm. Chúng tôi sẽ liên kết với các đại lý bán xe và khi khách hàng mua xe ôtô, đồng thời cũng sẽ mua bảo hiểm của chúng tôi. Chúng tôi đã thực hiện việc này từ đầu tháng 1/2015", ông phân tích.

Tương tự, ông Suzuka Hideo (29 tuổi), quản lý công ty Muto Management Accompany Vietnam (MMAV), hoạt động trong lĩnh vực cố vấn về kế toán, cho rằng công việc kế toán là khâu tối quan trọng trong vấn đề nâng cao năng lực của công ty, đó là phần việc không thể thiếu được. 

"Tuy nhiên ở Việt Nam, việc này được xem như là “phần tính để trả thuế, đó là công việc phải làm để công ty được tiếp tục hoạt động, đó là việc bất đắc dĩ” hoặc “nếu giảm bớt được nhiêu khê mà giải quyết xong thì tốt nhất”, tôi cho rằng thật uổng phí, bỏ mất cái hay của công việc kế toán, khi suy nghĩ như vậy", ông Hideo nói.

Ông cho biết thêm: "Chúng tôi là những người đến sau. Thế nhưng đi sâu vào tìm hiểu thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có không ít công ty dạng như là “cung cấp sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng công việc cũng rất thấp”, và biết được rằng rất nhiều công ty không hài lòng với chất lượng được nhận".

Chinh phục thế nào?

Hiểu được thói quen của thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều cách để chinh phục cũng như cạnh tranh với những doanh nghiệp khác.

Theo quản lý của MMAV, ban đầu họ không có một hoạt động nào quảng cáo việc hoạt động của mình, chỉ âm thầm tăng số lượng các giao dịch một cách từ từ. 

"Ban đầu là từ người quen giới thiệu cho, sau đó chủ yếu là truyền miệng và cũng từ những mối quan hệ của công ty mẹ ở Nhật Bản giúp cho tôi được nhiều khách hàng. Khách hàng của chúng tôi không chỉ là những khách hàng mới sang cần cố vấn, có nhiều đối tác đến với chúng tôi sau khi bất mãn với dịch vụ tại địa phương mà họ nhận được", ông Hideo cho biết.

Để hướng dẫn nhân viên Việt Nam nắm bắt các bí quyết kinh doanh của Nhật Bản, MMAV gửi những nhân viên của công ty tại Việt Nam sang văn phòng công ty mẹ để làm việc thực tế trong một thời gian, cho họ trải nghiệm thực tế cách giải quyết công việc trong công ty của Nhật Bản. 

Còn với UIC, họ không đơn thuần yêu cầu phía đại lý bán ôtô rằng “hãy bán bảo hiểm của UIC đi”. "Chúng tôi sẽ làm sao cho doanh số của phía đại lý tăng thật sự và không bao giờ cảm thấy tiếc khi liên kết với UIC", Tổng giám đốc Kiyoshi chia sẻ.

Đối với công ty Eikoh Seminar, vốn đã có bề dày hơn 30 năm trong lĩnh vực giáo dục tại Nhật Bản, họ đang dần dần  thay đổi tư duy của người Việt về vấn đề giáo dục con cái.

Theo ông Amano Keisuke (33 tuổi), Tổng giám đốc Eikoh Vietnam, những nội dung giảng dạy tại đây là nội dung được Việt Nam quy định nhưng sẽ được giảng dạy theo phương pháp của Eikoh Seminar Nhật Bản", ông Keisuke cho biết. 

"Điểm đặc biệt ở đây chính là không áp đặt nhồi nhét kiến thức, mà làm sao cho học sinh tự suy nghĩ, hướng dẫn theo cách phát huy cá tính của mỗi cá nhân. Giáo viên không hướng dẫn một chiều, mà cùng làm việc với học sinh để giải quyết vấn đề".

"Những giáo viên của chúng tôi được đến thực tập tại Eikoh Seminar Nhật Bản, vì dù sao thì giải thích bằng lời cũng khó hơn là trực quan sinh động. Họ cần trực tiếp chứng kiến và lĩnh hội phương pháp nào tốt nhất.

Có lẽ cái khó nhất chính là làm sao cho họ hiểu được, giáo dục cũng chỉ được xem như là một ngành phục vụ, nhất là khi truyền thống Việt Nam xem người thầy như là một người “vĩ đại”, ông chỉ rõ.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *