Đầu tư 09/03/2014 14:06

Vay nước ngoài 85% vốn xây Dự án Nhiệt điện 36.000 tỷ đồng tại Bình Thuận

FICA - Dự kiến, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy số 2 vào năm 2018, góp phần đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (Ảnh: BD).
 
Sáng nay, (9/3/2014), tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
 
Dự án do Tổng Công ty phát điện 3 (EVNGenco 3) làm Chủ đầu tư. Theo ông Nguyễn Văn Lê - Chủ tịch EVNGenco 3, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có quy mô công suất 1.200 MW, nằm trong Trung Tâm điện lực Vĩnh Tân, thuộc địa phận huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận, hàng năm dự án cung cấp lên hệ thống điện Quốc gia hơn 7,2 tỷ kWh điện năng, chiếm tỷ trọng khoảng 5% tổng sản lượng điện của đất nước.
 
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó sử dụng 85% vốn vay thương mại trong và ngoài nước; 15% vốn đối ứng của chủ đầu tư.
 
Cụ thể, 85% vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi, thương mại người mua là vay từ Tổ hợp Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Công ty bảo hiểm thương mại Hàn Quốc (KSURE), Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Công ty Bảo hiểm đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản (Nippon Export and Investment Insurance, NEXI). Còn lại 15% vốn đối ứng của Chủ đầu tư vay của các ngân hàng trong nước mà Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) làm đầu mối. 
 
Đây cũng là một trong số ít các dự án nguồn điện trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ cho phép một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 – 2020.
 
Được biết, than sẽ được vận chuyển đến nhà máy bằng phương tiện vận tải thuỷ có tải trọng lên đến 100.000DWT. Lượng than tiêu thụ cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 khoảng hơn 3,7 triệu tấn/năm, dự kiến nhập khẩu từ nước ngoài.
 
Theo tiến độ đã được ký kết, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành tổ máy số 1 sau 46 tháng xây dựng (tức vào năm 2017) và tổ máy số 2 sau 52 tháng xây dựng (năm 2018). Nhà máy sẽ được đấu nối với Hệ thống điện Quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500kV. 
 
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần chống thiếu điện khu vực miền Nam vào những năm sau 2017, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.
 
Phát biểu tại Lễ Khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, khi hoàn thành cả 4 dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tổng công suất các nguồn điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân lên đến 5.600 MW, qua đó đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, EVN phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, thực hiện công tác xây dựng nhà máy theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo an toàn lao động và thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư; đảm bảo tiến độ dự án: đưa tổ máy 1 vào vận hành cuối năm 2017, hoàn thành toàn bộ công trình trong nửa đầu năm 2018. 
 
Đồng thời, tỉnh Bình Thuận được giao phải tiếp tục quan tâm đến đời sống nhân dân vùng dự án, nhằm đảm bảo ổn định đời sống, có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
 
Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu điện của Việt Nam có tốc độ tăng cao nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giai đoạn 2000-2013 nhu cầu điện của Việt Nam tăng bình quân 13%/năm, gấp gần 2 lần tăng trưởng GDP. 
 
Dự báo đến năm 2020, nhu cầu điện toàn quốc đạt khoảng 300 tỷ kWh, gấp 3 lần nhu cầu điện năm 2010. 
 
Một số hình ảnh Lễ khởi công xây dựng Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sáng nay:
 
 
Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *