Đầu tư 28/03/2015 09:09

Tổng thầu Trung Quốc thất hứa: Phải có chế tài mạnh hơn!

"Bây giờ là làm ăn kinh tế, phải quy trách nhiệm dựa trên hợp đồng kinh tế, đánh vào tài chính, sai là phạt".

Phải quy trách nhiệm dựa trên hợp đồng

 

Trước thông tin của Ban QLDA đường sắt lên tiếng cho rằng, dù đã nhiều lần phê bình, nhắc nhở và ban hành các văn bản cảnh cáo Tổng thầu Trung Quốc tại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Trong quá trình thi công vẫn còn để xảy ra tình trạng nguy cơ gây mất an toàn, ĐBQH Đinh Xuân Thảo - Ủy viên Ủy ban kinh tế cho biết: "Việc xây dựng đường sắt đô thị là nhu cầu rất cần thiết để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, Bộ GTVT xác định xây dựng hệ thống đường sắt là đúng hướng, các nước trên thế giới hiện nay cũng làm.

 

Vấn đề bây giờ là làm sao để tiến thi công nhanh chóng, chất lượng đảm bảo, để sử dụng lâu dài sau này, thêm nữa là an toàn trong quá trình thi công, đây là điều ai cũng quan tâm từ quản lý nhà nước, cơ quan chuyên ngành, cho đến đông đảo nhân dân".

 

Điều đáng nói, theo ông Thảo, hiện nay, chúng ta đang tổ chức khá đại trà các tuyến đường sắt từ trung tâm đi ra cửa ngõ của thủ đô, nên dẫn đến tình trạng dàn trải, không thể kết nối, dẫn đến không đảm bảo được các yêu cầu.

Ví dụ điển hình là đường sắt Cát Linh - Hà Đông đáng lẽ 2014 phải hoàn thành, nhưng bây giờ lại lùi lại chưa biết bao giờ hoàn thành xong, đây là điều rất đáng quan ngại.

 

Vừa qua, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo nghiêm khắc, từ cán bộ quản lý cao nhất, cho đến các DN thực hiện, chủ thầu xây dựng công trình, nhưng vẫn không hiệu quả. Vì thế, cần:

 

Thứ nhất, xem lại hợp đồng giữa hai bên vì liên quan chủ đầu tư, nhà thầu, xem vướng mắc ở khâu thiết kế hay thi công, hay là khâu giám sát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

 

Thứ hai, bây giờ là làm ăn kinh tế, phải quy trách nhiệm dựa trên hợp đồng kinh tế, đánh vào tài chính, sai là phạt, thêm nữa, người đi ký hợp đồng cũng phải chịu trách nhiệm chất lượng nhà thầu.

 
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Theo quan điểm của ông Thảo đó cũng là lý do, tại sao khi làm việc với các nước phương Tây mất rất nhiều thời gian để làm được hợp đồng, nhưng khi ký được rồi thực hiện lại rất nhanh chóng, vì họ tính toán chặt chẽ.

 

Còn ở các nước châu Á thì làm hợp đồng rất nhanh, bởi không đi vào cụ thể, chi tiết, mà chỉ là quy định mang tính chất khung xương, nên khâu thực hiện mới kéo dài ra. Chậm trễ vài tháng đã thiệt hại khá lớn, nói gì kéo dài vài năm.

 

Đưa ra biện pháp đánh vào tài chính

 

Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm trước vấn đề này, ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho hay: "Thời gian qua, Bộ GTVT đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, khi đã làm cứng rắn nhưng mà đối tác không thực hiện được những yêu cầu của mình, thì phải xem xét lại, thay đổi chế tài khác".

 

Bởi vì, nếu cứ liên tục như thế này thì không bao giờ đáp ứng được yêu cầu mình đặt ra kể cả tiến độ, chất lượng.

 

Đưa ra đề xuất, bà An nhấn mạnh: "Thứ nhất, cần có biện pháp mang tính chất tài chính, phải xử phạt, nếu không đảm bảo thì xử phạt, phạt nặng: thay nhà thầu, đền bù, nếu không phạt kinh tế nặng. Chỉ như vậy mới giải quyết được vấn đề bởi tất cả mang tính chất cam kết, nếu nhà thầu quốc tế là cam kết quốc tế lại còn mạnh hơn mà không giải quyết thì chắc chắn không giải quyết được.

 

Thứ hai, thay đổi phương thức không đáp ứng được yêu cầu thì thay, nếu cam kết vi phạm lần 1 thì tăng hình thức xử phạt lên nếu vi phạm lần 2, thêm vào đó là phạt tài chính với con số cụ thể, có thể là bồi thường hoặc không thanh toán". 

 

Mặt khác, theo bà An, đây toàn là công trình mang tính chất quốc gia, mang tính huyết mạch, tài chính cho giao thông đạt yêu cầu, đã ưu tiên cho giao thông phát triển thì phải đạt yêu cầu.

Chính vì vậy, bà An nhận định: "Phải có biện pháp đủ mạnh để răn đe, đặc biệt hiệu quả là đánh vào kinh tế, làm cho những đơn vị nhận thầu với mình, thực hiện đúng cam kết".

 

Để xảy ra tình trạng như Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói: "Mỗi lần sự việc xảy ra, Tổng thầu lại nhận khuyết điểm nhưng đâu lại vào đấy. Tôi không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của Tổng thầu nữa".

 

Theo bà An, là do từ trước đến nay chúng ta vẫn còn quá nương nhẹ trong việc xử lý.

 

Cho nên cần: "Một là, cấm đầu thầu bao nhiêu năm; hai là, phạt về tài chính, kinh tế, họ làm kinh doanh thì cần phải được làm để tìm kiếm lợi nhuận, chưa kể đến uy tín, lòng tin không thể mua được. Phải xử lý bằng nhiều phương thức, hình thức, mục tiêu đơn giản như vậy".
 
Theo Thái Linh
Đất Việt
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *