Đầu tư 20/09/2014 15:42

Tập đoàn kinh tế, bài học đổi mới

Thành công của một số TĐKT trong nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường là coi trọng đổi mới trang thiết bị, công nhệ và tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa có cuộc hội thảo đóng góp ý kiến cho báo cáo nghiên cứu “Lý luận và kinh nghiệm quốc tế về hình thành phát triển và quản lý tập đoàn kinh tế, một số bài học cho Việt Nam”. 

Đây là chủ đề có ý nghĩa thời sự cao khi các tập đoàn kinh tế (TĐKT) nhà nước đang thực hiện tái cơ cấu để nâng cao khả năng cạnh tranh, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong tình trạng trăm hoa đua nở, nhưng khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế trong bối cảnh hội nhập.

Theo ông Bùi Văn Dũng, Trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp CIEM, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thành công của một số TĐKT trong nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ở nhiều nước trên thế giới là coi trọng đổi mới trang thiết bị, công nhệ và tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Như tại Trung Quốc, định hướng cải cách TĐKT đồng bộ “tam cải” (cải sở, cải chế và cải tạo), trong đó, cải tạo gồm nâng cao trình độ trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ sản xuất, nâng cao tỷ lệ đầu tư cho R&D với bước đi phù hợp (hiện chi phí cho nghiên cứu ứng dụng phát triển sản phẩm chiếm 80% tổng chi phí R&D) nên sức cạnh tranh của TĐKT Trung Quốc đã nâng lên một bước.

Trong lịch sử phát triển của TĐKT tại Hàn Quốc cũng gặp phải vấn đề tương tự như ở Việt Nam là đầu tư chéo giữa các công ty, vay nợ quá lớn và đầu tư ngoài ngành. Năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung thực hiện 5 chính sách tái cơ cấu TĐKT: cải thiện tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, xoá bỏ bảo lãnh thanh toán chéo giữa các doanh nghiệp trong TĐKT, cải thiện cơ cấu tài chính, tập trung vào ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tăng cường hợp tác với doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Đến tháng 8/1999, Hàn Quốc bổ sung thêm 3 chính sách vào chương trình tái cơ cấu gồm: nghiêm cấm việc thống trị vốn của tổ chức tài chính; cấm đầu tư chéo, đầu tư vòng tròn và các giao dịch không công bằng giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn; ngăn ngừa việc thừa kế, tặng cho không hợp pháp.

Ở giai đoạn 2 của chương trình tái cơ cấu TĐKT, Chính phủ Hàn Quốc ban hành Chương trình xử lý nợ, trong đó yêu cầu tối đa 6 tháng phải hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu và yêu cầu chia sẻ gánh nặng giữa các cổ đông hiện hữu và các chủ nợ.

Có 83 công ty trong các TĐKT đã thực hiện chương trình này và đến cuối năm 2002, có 55 công ty đã hoàn tất việc tái cơ cấu (chuyển nợ thành cổ phần, xáo nợ, gia hạn nợ), 12 công ty đang tiếp tục tái cơ cấu, 16 công ty không có dấu hiệu khôi phục nên không thực hiện tiếp chương trình này.

Chính phủ nước này cũng cấm các công ty thuộc TĐKT có tổng tài sản từ 5.000 tỷ won trở lên  đầu tư vượt quá 25% tổng tài sản của công ty khác. Công ty có tài sản 2.000 tỷ won trở lên không được nắm giữ cổ phần chéo hoặc bảo lãnh các khoản nợ chéo với các công ty khác trong tập đoàn.

Nhờ thế, các khoản nợ chéo giảm và bảo lãnh nợ chéo của 30 TĐKT quy mô lớn hầu như không còn vào năm 2002. Cách thức xử lý nợ và đầu tư chéo của Hàn Quốc là bài học kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam hiện nay.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lưu ý, Luật Doanh nghiệp hiện hành, kể cả dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi để chế định loại hình “nhóm công ty” và trong nhóm này có 2 hình thức: công ty mẹ - công ty con và TĐKT. Tuy nhiên, Luật không định nghĩa thế nào là TĐKT nhà nước mà chỉ có Nghị định của Chính phủ nêu ra những tiêu chí để xác định tập đoàn, chủ yếu áp dụng cho TĐKT nhà nước.

Trong khi đó, khái niệm tập đoàn được sử dụng ở nước ta hiện nay như một cách đánh bóng về quy mô doanh nghiệp, trong khi luật pháp ít quan tâm đến khía cạnh kiểm soát sự lũng đoạn do sở hữu chéo của nó gây ra. Vậy luật có cần luật hóa mô hình TĐKT hay không và luật hóa theo mô hình nào?

Nhìn từ góc độ nhân sự, quản trị tập đoàn, yếu tố ảnh hưởng đến thành công của TĐKT, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thiềng Đức so sánh: “Điều kiện thành công của Temasek là tính chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo và các quy trình quản lý, đầu tư.

Hội đồng quản trị 9 người của Temasek chỉ có duy nhất một đại diện của Bộ Tài chính Singapore và trong 380 nhân viên của Temasek có 36% là các chuyên gia quốc tịch nước ngoài (trong đó có cả người Việt Nam).

Ngược lại, toàn bộ HĐQT của SCIC là các quan chức hoặc cựu quan chức”. Câu hỏi đặt ra là để nâng cao hiệu quả TĐKT, có cần cơ chế tuyển dụng để có những doanh nhân thật sự lãnh đạo TĐKT hay không?

Nhưng trên hết, theo ông Dũng, vẫn là cần có sự thống nhất về khái niệm thế nào TĐKT ở cấp quản lý nhà nước, bởi hiện nay vẫn có những cách hiểu khác nhau.

Ở Việt Nam, TĐKT hình thành theo 2 cách là phát triển tuần tự theo thị trường (chủ yếu là tập đoàn kinh tế tư nhân) và hình thành bằng quyết định hành chính kết hợp với thị trường, nhưng hành chính vẫn là chủ yếu.

Được biết, tới đây sẽ có hội thảo nhằm đánh giá về thực trạng của các TĐKT ở Việt Nam và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả TĐKT. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các TĐKT Việt Nam hiện nay.

Theo Thu Hương
ĐTCK
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *