Đầu tư 03/11/2013 07:32

Sử dụng trái phiếu phải minh bạch

Sử dụng trái phiếu phải minh bạch Quốc hội là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.

 

Trong buổi thảo luận về phương án phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, các ý kiến đại biểu tập trung vào các vấn đề kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn trái phiếu này nhằm hạn chế tiêu cực. Các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ các dự án sẽ được bố trí vốn từ nguồn này để đảm bảo minh bạch hiệu quả.

Đại biểu Hà Huy Thông (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh cơ quan nào cũng có nhu cầu chi rất lớn, nhưng kế hoạch trả nợ như thế nào thì phải làm rõ. Đây là chuyện rất hệ trọng, là một trong hai vấn đề khó mà Ngân hàng Thế giới đề cập: vay và trả nợ như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã tham gia báo cáo làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu. Bộ trưởng Bùi Quanh Vinh đồng tình với yêu cầu làm rõ các địa chỉ cụ thể được phân bổ vốn trái phiếu và cho rằng, đó là đòi hỏi thích đáng.

“Tôi cũng đề xuất nên minh bạch trước Quốc hội, thế là tốt nhất. Chúng ta không có mục đích nàongoài việc sử dụng tốt nhất đồng vốn của nhân dân”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm về các dự án cụ thể.

Thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tích cực rà soát và chỉ bố trí cho các dự án trong 4 nhóm sử dụng. Với nhóm thứ nhất, dự án QL 1A và QL 14, đã có danh mục chi tiết từng dự án. Bộ Kế hoạch sẽ rà soát lại về từng dự án, mức bố trí, dự phòng...

Dự án luồng sông Hậu là dự án duy nhất giãn, hoãn rồi giờ đầu tư lại. Còn lại bố trí cho các dự án dở dang của giai đoạn 2012 – 2015, Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT phối hợp các bộ tích cực để trình danh mục dự án. Trước đây đã có danh mục do Quốc hội phê duyệt vào năm 2011 cho những dự án được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015. Hiện còn trên 800 dự án chưa hoàn thành và đang cùng địa phương, các bộ ngành rà soát, chốt lại tổng mức đầu tư còn thiếu. Không phải có danh mục mới mà trên cơ sở danh mục Quốc hội đã quyết định từ năm 2011.

Chính phủ đã thông qua nguyên tắc bố trí vốn và Ủy ban Tài chính ngân sách sẽ họp vào tuần tới để thông qua nguyên tắc này theo hướng minh bạch và hiệu quả nhất. Trên cơ sở nguyên tắc sẽ tính cho từng dự án, ưu tiên dự án nào hoàn thành ngay trong năm 2013, 2014, một số dự án không hoàn thành ngay nhưng quan trọng đối với quốc gia như một số dự án thủy lợi, phải bố trí một phần để tiếp tục thi công. Chính phủ phân bổ tổng mức cho từng ngành và các ngành bộ sẽ bố trí cho các dự án nằm trong danh mục nói trên theo nguyên tắc đã được thông qua.

Về danh mục, dự án của các bộ ngành dễ rà soát nhưng tại địa phương dự án nhỏ, nhiều... nếu trình ngay danh mục rất gấp.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ trình Quốc hội phương án phát hành bổ sung Trái phiếu chính phủ. Tổng mức phát hành là 170 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2014-2016 (không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015).

Về phương án sử dụng vốn, tập trung vào 4 nhóm:

(1) Bố trí 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 - Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên.

(2) Bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011-2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 73,32 nghìn tỷ đồng.

(3) Bố trí 20 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng các dự án ODA (phần vốn đối ứng các dự án do các bộ, ngành cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương nghèo, khó khăn theo Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)

(4) Bố trí 15 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác

Về các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đề nghị:

Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý ngân sách và trái phiếu đã điều chỉnh căn bản chương trình mục tiêu theo hướng lồng ghép, thu hẹp, hiệu quả hơn. Đây là bước tiến dũng cảm.

Nếu cắt ngay 16 chương trình là không được vì đây là Nghị quyết của Quốc hội và đã phân bổ 5 năm và đã thi hành.

Trước mắt, giữ nguyên và cắt giảm chương trình thành phần, thu hẹp mục tiêu phù hợp thực tiễn và nguồn lực, giảm mức bố trí. Đồng thời đảm bảo hiệu quả hơn, không cho khởi công dự án mới, chỉ bố trí cho dự án cũ.

Sau năm 2015, sẽ bàn lại cho giai đoạn 5 năm tới theo hướng lồng ghép vào 2 chương trình lớn là nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững vì cơ bản mục tiêu các chương trình khác đều nằm trong 19 tiêu chí của nông thôn mới.

Đây là cơ hội lồng ghép, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn. Đồng thời cũng thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý, giao quyền cho địa phương  lồng ghép. Đề nghị Quốc hội thông qua theo đề xuất của Chính phủ.

 Theo Hoàng Duy
ĐTCK

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *