Đầu tư 07/06/2014 16:52

Sau vụ gây rối: Hỗ trợ toàn diện cho hàng trăm doanh nghiệp

FICA - “Để giải quyết dứt điểm tiền bồi thường bảo hiểm cho các doanh nghiệp (DN) có thể kéo dài trong 1 năm tới vì việc thống kê những thiệt hại của doanh nghiệp chưa cụ thể…”

 

Đó là nhận định của ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam tại buổi trao tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho các DN bị ảnh hưởng, thiệt hại sau vụ gây rối tại Bình Dương.

Các DN bị thiệt hại nhận tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm từ các công ty Bảo hiểm
Các DN bị thiệt hại nhận tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm từ các công ty Bảo hiểm

 Theo ông Lộc, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường cho DN bị thiệt hại khi chưa có con số thống kê thiệt hại. Ông Lộc cho rằng, trong việc thống kê  những thiệt hại của doanh nghiệp cũng cần phân biệt thiệt hại thuộc về bảo hiểm và những thiệt hại ngoài bảo hiểm. Bởi lẽ, có những doanh nghiệp chỉ mua bảo hiểm cho một phần tài sản chứ không mua bảo hiểm toàn bộ tài sản đó. Việc bồi thường cho DN bằng tiền mặt hay trực tiếp khôi phục, sửa chữa ngay cho DN bị thiệt hại cũng cần được doanh nghiệp bảo hiểm cân nhắc.

Ông Kent Teh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (KCN VSIP 1- Bình Dương) đánh giá công ty bảo hiểm đã phản ứng nhanh trong việc bồi thường cho doanh nghiệp. Trong đợt này, Esquel được doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường 1 triệu đô la Mỹ.

“Chúng tôi sẽ cố gắng khôi phục lại sản xuất, vì 5.000 công nhân đang làm việc của công ty và hàng chục ngàn người trong gia đình đang phụ thuộc vào họ”, ông Kent Teh chia sẻ.

Đại diện Công ty TNHH Bảo hiểm Fu Bon Việt Nam, ông Hsing Chien-Yi, Phó Tổng Giám đốc cấp cao, đơn vị có số tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm lớn nhất cho biết, sau hơn 2 tuần thực hiện đánh giá thiệt hại của các khách hàng, mặc dù chưa hoàn tất, nhưng Fu Bon đã quyết định tạm ứng tiền bồi thường cho 6 khách hàng bị thiệt hại nặng nhất, đây đều là những doanh nghiệp của Đài Loan (số tiền khoảng 31 tỷ đồng).

Các DN và Công ty Bảo hiểm chia sẻ những khó khăn sau vụ gây rối tại Bình Dương
Các DN và Công ty Bảo hiểm chia sẻ những khó khăn sau vụ gây rối tại Bình Dương

“Công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng nhưng sau đó phải làm việc với nhà cái nước ngoài. Cho đến nay công ty chúng tôi vẫn gặp khó khăn khi giải thích với họ về số tiền tổn thất lần này nằm trong phạm vi bảo hiểm, chúng tôi kiến nghị được cung cấp công văn xác nhận nguyên nhân tổn thất của các DN tại Việt Nam để hỗ trợ chúng tôi khi làm việc với nhà cái nước ngoài , qua đó họ có thể chia sẻ một phần tổn thất” - Đại diện Công ty TNHH Bảo hiểm Fu Bon Việt Nam cho biết.

Trước những yêu cầu của công ty Bảo hiểm đưa ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết, hiện công tác khám nghiệm hiện trường, thẩm định nguyên nhân thiệt hại đang trong giai đoạn hoàn tất. Trong tuần tới tỉnh sẽ hoàn tất và sẽ có thông báo đến các công ty bảo hiểm để làm cơ sở cho các công ty bảo hiểm có thể xem xét đền bù cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Các cơ quan chức năng đang triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, giảm thuế, khấu trừ và hoàn thuế đối với sản xuất kinh doanh, tỉnh sẽ xem thiệt hại của từng doanh nghiệp để có sự hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp; đồng thời giải quyết quyền lợi cho người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

“Tỉnh Bình Dương sẽ làm hết sức mình để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các doanh nghiệp, các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Bình Dương. Mong muốn các doanh nghiệp sớm an tâm khôi phục sản xuất kinh doanh” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài sau sự cố gây rối tại Bình Dương
Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài sau sự cố gây rối tại Bình Dương

Riêng trong lĩnh vực bảo hiểm, Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo các DN bảo hiểm khẩn trương phối hợp với các DN bị thiệt hại và các địa phương để xác định thiệt hại, tiến hành bồi thường sớm. Đồng thời Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ DN bảo hiểm triển khai thực hiện công tác bồi thường bảo hiểm.

Hiện có Có 113 DN bị thiệt hại được tạm ứng số tiền 114,7 tỷ đồng. Trong đó, có 87 nhà đầu tư Đài Loan (được tạm ứng 59,5 tỷ đồng), 3 nhà đầu tư Singapore (được tạm ứng 28 tỷ đồng), 4 nhà đầu tư Hồng Kông (được tạm ứng 21,8 tỷ đồng) và 3 nhà đầu tư Hàn Quốc (được tạm ứng 3,3 tỷ đồng)…

Trung Kiên

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *