Đầu tư 23/10/2014 07:03

Sân bay Việt Nam “bị” bình chọn “tệ nhất Châu Á”: Đừng phản bác, hãy lắng nghe!

Dù bảng xếp hạng đúng hay còn chưa khách quan thì vẫn rất cần acho ngành hàng không VN. Bởi vì, mục tiêu đặt ra không phải là không nằm trong 10 nước hạng bét mà lọt vào “top” đầu.

Phòng đợi tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Trần Phan

Lắng nghe để sửa đổi

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt cho rằng, nếu nói rằng sân bay Nội Bài, TPHCM tệ, nhếch nhác thì chưa hẳn đúng vì sân bay của nước ta tốt hơn một số sân bay ở Myanmar, Mông Cổ, Indonesia,... sân bay Nội Bài có điểm tốt là dịch vụ đưa đón hành khách từ sân bay về thành phố, nhất là đến 12h đêm, thậm chí 2h sáng vẫn phục vụ là ưu điểm mà nhiều sân bay của các nước khác còn chưa thể phục vụ như thế được.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Mỹ, vệ sinh sân bay còn kém, thái độ phục vụ của nhân viên không thân thiện, wifi yếu, thiếu ghế ngồi cho hành khách, điều hòa chưa đủ mát, không có khu ghế dành riêng cho khách bị hủy chuyến, trễ chuyến, bố trí quầy ăn uống chưa hợp lý, thủ tục chậm, an ninh sân bay chưa tốt. 

 
 Sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh lớn).

Ở sân bay Nội Bài, người tiễn khách vào khu vực làm thủ tục còn nhiều, điều này khiến an ninh không đảm bảo. Bên cạnh đó, ở sân bay đôi khi còn có tình trạng xảy ra mất cắp hành lý do kẻ gian trà trộn hành khách lấy của nhau và do nhân viên sân bay lấy của khách trong quá trình soi, vận chuyển hành lý.

Ông Trần Văn Hòa - GĐ một Cty dệt may đóng tại Q.Tân Phú, TPHCM thường đi làm việc nước ngoài nhiều, đánh giá rằng, các nhà ga sân bay Việt Nam vẫn còn khá chật chội nên khó đòi hỏi chất lượng tốt như Singapore, Thái Lan. Ngoài ra, giá cả dịch vụ ăn uống trong sân bay khá đắt, hành khách mệt mỏi khi phải di chuyển từ máy bay vào nhà ga bằng xe buýt và ngược lại, trong khi thời điểm đó một số nhà lồng vẫn để không, việc kiểm tra an ninh, check in còn mất nhiều thời gian khiến hành khách phải rồng rắn xếp hàng chờ đợi lâu, rồi dịch vụ taxi còn khá lộn xộn…

“Cầu thị nhìn lại mình”

Ông Đặng Tuấn Tú - GĐ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng cho rằng, trang mạng trên không phải của một tổ chức chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không, tuy vậy chúng tôi cũng cầu thị nhìn lại mình. Những năm qua, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không ngừng được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao ý thức, chất lượng dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, ông Đặng Tuấn Tú cũng nhìn nhận, do diện tích, quỹ đất của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay khá chật hẹp nên khó có thể đáp ứng đầy đủ các tiện ích như một số sân bay quốc tế.

 
 Hành khách mệt mỏi vì quá tải sân bay, chen chúc xếp hàng làm thủ tục là chuyện thường xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: T.K - Trần Phan

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh nêu quan điểm, cần phải tôn trọng những ý kiến đóng góp của họ. Do vậy, sau đó Cục Hàng không đã có phương án kiểm tra xem xét, cải tiến và khắc phục. Ngay trước mắt, Bộ GTVT đã có chỉ thị, trong tuần này, cục sẽ làm việc với Nội Bài và Tân Sơn Nhất để tìm những biện pháp khắc phục.

Ông Lại Xuân Thanh khẳng định, cho dù không có công bố xếp hạng của trang mạng Sleepinginairports thì ngành hàng không vẫn phải liên tục cải tiến. Cuối năm 2014 Nhà ga T2 Nội Bài đưa vào khai thác, Tân Sơn Nhất hoàn thiện hạ tầng sân đỗ, đường băng. Một trong những vấn đề được ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh là thái độ làm việc của nhân viên. 

Vừa qua Cục Hàng không đã triển khai 4 xin (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép) và 4 luôn (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ) do Bộ GTVT đề ra, nhưng vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Do vậy, cần phải đẩy mạnh đào tạo, huấn luyện về kỹ năng trình độ cho nhân viên ngành hàng không. Cùng với thái độ của nhân viên là ý thức của hành khách đi máy bay. Phải tuyên truyền cho hành khách ý thức về văn minh, lịch sự, tôn trọng các quy định chung và quy định của pháp luật.

Theo Mộng Thoa - Đặng Tiến - Trần Phan

Lao động

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *