Đầu tư 19/06/2014 09:01

Samsung thêm nhà máy, kỳ vọng chuyển giao công nghệ bất thành?

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã thành lập tổ công tác tham gia đàm phán, thỏa thuận phát triển dự án của Samsung trên địa bàn.

Thêm nhà máy tại Bắc Ninh

 

Theo tin từ Reuters, một đơn vị thuộc Samsung Electronics cho biết đang đàm phán với Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng một nhà máy để sản xuất màn hình điện thoại di động. Trước đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cũng cho biết Samsung Display quyết định cho một tỷ USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam đến năm 2020.

 

Từ chối bình luận về giá trị của khoản đầu tư, người phán ngôn của Samsung Display cho rằng địa điểm nhắm tới là Bắc Ninh, nơi tập đoàn đã có cơ sở sản xuất điện thoại di động.

 

Nguồn tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng cho hay đầu tháng 6, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Tiến Nhường đã ký quyết định thành lập Tổ công tác tham gia đàm phán, thỏa thuận phát triển dự án Samsung Display trên địa bàn, do ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh làm tổ trưởng.

 

Tổ công tác sẽ có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia đàm phán, trao đổi, bàn bạc với Samsung Display về các nội dung liên quan đến thỏa thuận phát triển dự án tại tỉnh, từ đó báo cáo Chủ tịch tỉnh xem xét, quyết định.

 

Samsung tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện thoại di động.
Samsung tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện thoại di động.

 

Vừa qua, UBND TP HCM cũng đã chấp thuận địa điểm cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử cho Samsung tại Khu công nghệ cao. Tuy nhiên những thông tin cụ thể, chi tiết cũng chưa được tiết lộ

Samsung đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 5,5 tỷ USD, trong đó có 2,5 tỷ USD vào khu tổ hợp công nghệ tại Bắc Ninh (SEV) và hơn 3,2 tỷ USD vào khu tổ hợp tại Thái Nguyên (SEVT). Riêng nhà máy tại Bắc Ninh, năm 2013 giá trị xuất khẩu đạt gần 24 tỷ USD, bằng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 

Chuyển giao công nghệ chậm chạp

 

Mặc dù sự hiện diện của Samsung đi cùng với kỳ vọng sự chuyển giao công nghệ sẽ được tạo ra, các DN Việt sẽ tham gia trong chuỗi sản xuất đó song thực tế, ở Samsung Bắc Ninh, có nguồn tin cho rằng trong tổng số 52 DN tham gia chuỗi cung cấp cho Samsung, chỉ có 4 DN là có 100% vốn Việt Nam.

 

Số doanh nghiệp trong nước này cũng chỉ cung cấp những sản phẩm đơn giản như bao bì, dịch vụ in ấn với giá trị không cao. Trong khi đó, đa số các nhà cung cấp còn lại đến từ Hàn Quốc và những nước xung quanh hoặc một số công ty liên doanh giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam.

 

Từng bình luận về việc nhà máy của Samsung Electronics tại Bắc Ninh vẫn đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế trong khi nhiều chuyên gia từng nhận định rằng việc Samsung vào Việt Nam được một thời gian tương đối lâu nhưng việc chuyển giao công nghệ lại diễn ra chậm, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, vai trò chuyển giao công nghệ là rất quan trọng nhưng vấn đề quan trọng hơn là chúng ta liệu có đủ yếu tố cần thiết để hấp thụ công nghệ mà Samsung chuyển giao hay không.

 

"Chúng ta phải chuẩn bị nền tảng về nhân lực chất lượng cao có khả năng hấp thụ được các kiến thức được chuyển giao. Trong quá trình chúng ta hợp tác, làm việc chung với các đối tác chúng ta phải cùng làm việc, cùng học hỏi.

 

Sự học hỏi ở đây không nhất thiết phải là sự học hỏi chính thức mà ở cả quá trình quan sát, theo dõi cách họ làm như thế nào để hấp thụ được cách thức đó, không thể mong rằng việc chuyển giao được thực hiện thông qua các lớp học bài bản hay một số khóa đào tạo", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

 

Theo Hà Anh

Đất Việt

 
 
 
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *