Đầu tư 23/09/2014 14:19

Quan hệ thương mại Việt Nam- Na Uy: Những bứt phá mới

Na Uy đang nhìn thấy nhiều tiềm năng lớn để thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường này.

Dựa trên kinh nghiệm của Na Uy từ việc đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA trước đó, ước tính giá trị nhập khẩu của Na Uy từ Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% mỗi năm khi FTA Việt Nam- Hiệp hội Thương mại tự do (EFTA- bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) có hiệu lực trong năm 2015.

Đồ gỗ nội thất được xuất khẩu nhiều sang Na Uy

Đồ gỗ nội thất được xuất khẩu nhiều sang Na Uy

 

Ông Sveinung Roren- Trưởng đoàn đàm phán phía EFTA đã dự đoán như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương. Ông Sveinung Roren cho rằng, đơn giản hóa các quy tắc, thủ tục xuất nhập khẩu cùng với việc cung cấp các thông tin về quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi thương mại là những yếu tố quan trọng đằng sau sự gia tăng này.

 

Đáng chú ý, trong quá trình phân tích các tác động của FTA Việt Nam- EFTA đối với quan hệ thương mại song phương, Na Uy đang nhìn thấy nhiều tiềm năng lớn để thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường này.

 

Ông Sveinung Roren chia sẻ, Na Uy được biết tới là quốc gia nhập khẩu lớn các mặt hàng thực phẩm. Ước tính khoảng 50% lượng tiêu thụ thực phẩm của Na Uy được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Trong khi đó, nhập khẩu nông sản của Na Uy từ Việt Nam chỉ đạt khoảng 13 triệu USD, dù đã tăng đáng kể nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng lượng nông sản nhập khẩu. Các mặt hàng nông sản chủ yếu mà Na Uy nhập từ Việt Nam là các loại hạt, cà phê, rau, trái cây...


Theo ông Sveinung Roren, tác động tích cực của FTA đối với Việt Nam là mang lại nhiều lợi ích trong việc tăng xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào 4 thị trường khối EFTA. Riêng đối với thị trường Na Uy, Việt Nam có lợi thế hơn so với các nước không có FTA khi tiếp cận, và việc có FTA cũng nói lên rằng, hàng hóa của Việt Nam được đánh giá khá cao tại đây.

Ông Sveinung Roren cũng khuyến cáo: Doanh nghiệp hai bên nên tích cực tìm hiểu thị trường của nhau và thiết lập các mối quan hệ hợp tác ở giai đoạn này. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để khai thác tốt FTA trong tương lai.

 

Theo số liệu thống kê của Na Uy, trao đổi thương mại song phương Việt Nam- Na Uy tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua với giá trị đạt gần 600 triệu USD năm 2013. Trong đó, phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Na Uy là giày dép (26%), dệt may thành phẩm (21%), điện thoại di động (11%), đồ nội thất (7%), máy tính (6%) và thủy sản (3%).

 

Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu hàng của Việt Nam sang Na Uy có thể thấy các sản phẩm công nghiệp đang chiếm ưu thế lớn. Một cam kết khi FTA Việt Nam- EFTA được ký kết là Na Uy sẽ dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các mặt hàng công nghiệp và thủy sản. Như vậy, cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường Na Uy đang được rộng mở hơn rất nhiều.

 

Nắm bắt cơ hội đó, trong một nỗ lực mở rộng các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng sang Na Uy, tháng 8/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản đã có chuyến thăm Na Uy nhằm đẩy mạnh hợp tác về thủy, hải sản. Kỳ vọng, đây có thể là mặt hàng tạo ra sự bứt phá trong quan hệ thương mại song phương.

 

Theo Hoa Lê

Công Thương

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *