Đầu tư 02/06/2014 14:42

Phó Thủ tướng Hải: Ưu đãi đã có, doanh nghiệp phải dựa vào năng lực của mình

FICA - Trao đổi về cơ chế, chính sách cho dự án điện phân nhôm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Nhà nước đã đưa ra chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp phải tính toán dựa trên năng lực thực tế của mình để xác định việc có đầu tư hay không.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông. Theo đó, Dự án trên sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, đầu tư hạ tầng.

Riêng về giá điện, dự án được áp dụng giá điện là 1.052 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 5,0 cent/kWh) trong 10 năm đầu, kể từ thời điểm Nhà máy điện phân nhôm đưa vào hoạt động. Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay 2/6, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao đổi với báo chí về nội dung này.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Thưa Phó Thủ tướng, vừa rồi chúng ta đã khởi động chính sách hỗ trợ cho điện phân nhôm. Đến nay đã có doanh nghiệp nào hưởng ứng hay chưa?

Đã có doanh nghiệp trong nước quan tâm nhưng chính sách là một chuyện, họ còn phải chuẩn bị nhiều. Đấy là dự án khó, đòi hỏi doanh nghiệp có năng lực và quyết tâm lắm mới làm được.

Hiện có hai dự án. Một dự án là do doanh nghiệp tư nhân trong nước đảm nhận. Một dự án còn lại do Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam làm với Hàn Quốc. Nhưng dự án đó hơi khó, vì giá cao lắm. Mình đưa ra chính sách hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp phải tính toán dựa trên năng lực thực tế của mình nếu không hiệu quả thì thôi.

Được biết, vướng mắc nhất đối với các dự án này là giá điện. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

Ở đây không có ưu đãi mà vẫn trong biểu giá, ở cấp điện áp cao 220, còn lại các doanh nghiệp phải tối ưu trong khoảng giá đó để làm cho có hiệu quả. Cái đó rất tốt để đáp ứng nhu cầu nhôm trong nước. Giống như đồng, ra được 10.000 tấn là quý rồi. Những dự án luyện kim màu giá trị rất tốt về dài hạn

Một số ý kiến cho rằng, giá điện như vậy cũng chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp?

Giá điện cho nhôm, cho năng lượng mới và tái tạo, nhiều nhà đầu tư cho rằng chưa hấp dẫn. Nhưng phải hiểu đây là loại giá điện khác hẳn, là loại điện phải mua phải bán không có đàm phán. Ví dụ, điện gió cứ sản xuất ra bao nhiêu kw thì EVN phải mua không có đàm phán.

Giá điện được công bố trước thì nhà đầu tư phải tự tối ưu hoá phương án của mình. Họ biết trước giá rồi thì phải tính toán nếu thấy hiệu quả thì làm, nếu không thì rút. Nếu được đưa ra giá đàm phán thì khác, còn đây là giá kiểu gì EVN cũng phải mua. Mình cũng tạo sức ép để doanh nghiệp đầu tư phải tối ưu hoá. Anh không hiệu quả trong đầu tư thì không thể hoạt động được.

Điện cho nhôm để gắn trực tiếp với công nghiệp nhôm của mình, không phục vụ cho mục tiêu khác, thưa Phó Thủ tướng?

Như đã nói, chúng ta có tiềm năng về bauxite, đã sản xuất ra alumin xuất khẩu. Các dự án đó có hiệu quả nhưng hiệu quả chưa cao. Không cao là do thị trường đang xuống mặc dù những tháng gần đây kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa đủ đảm bảo. Nếu chúng ta tiếp tục quy trình sản xuất cũ, làm từ alumin rồi làm nhôm, thì đảm bảo hiệu quả cho chuỗi sản xuất nhưng giá điện của mình không phải là giá điện có lợi thế. Vừa rồi mình quyết định ưu đãi cho cơ chế thí điểm để đáp ứng nhu cầu nhôm trong nước trong khi mình vẫn nhập hoàn toàn.

Đại biểu Quốc hội cũng đã nói phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Tất nhiên phải hiểu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, một nền kinh tế độc lập tự chủ không phải mọi sản phẩm đều phải tự sản xuất và sản xuất cho bằng được, mà phải đảm bảo sản xuất có hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà chứ không chỉ đi ra thị trường quốc tế. Nhưng một số sản phẩm thiết yếu mình phải đảm bảo đáp ứng 30-50% thị trường để trong những điều kiện khó khăn nhất không bị động.

Ví dụ, các dự án phân bón thời gian qua chúng ta đã làm tốt. Các sản phẩm khác như nhôm, chúng ta cũng đưa ra các giải pháp, cơ chế ban đầu hợp lý để hỗ trợ nhà đầu tư sản xuất hiệu quả. Khi họ sản xuất hiệu quả rồi thì khả năng chịu được giá điện cao hơn thì tốt hơn. Cách đây 10 năm các dự án nhôm chỉ chịu được giá điện khoảng 2 cent/kwh, nhưng đến nay các dự án đó đã chịu được giá điện cao hơn. Các nhà đầu tư nếu áp dụng các công nghệ hiện đại và biện pháp quản lý sản xuất hiệu quả hơn thì sẽ chịu được giá điện tốt hơn.

Hai nhà máy bauxite của Việt Nam do Trung Quốc cung cấp thiết bị, đến giờ có gì phải lo lắng không, thưa Phó Thủ tướng?

Qua dự án Tân Rai thì thấy khả năng làm chủ công nghệ của kỹ sư, công nhân Việt Nam rất tốt. Các dự án này hoàn toàn là do người Việt Nam vận hành chứ không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Tới đây Nhân Cơ cũng vậy, mình cũng tiếp thu và tự chủ trong vận hành. Vấn đề lớn nhất là phải quản trị, vận hành dự án sao cho an toàn, hiệu quả. Tính toán dự phòng để tìm các thiết bị thay thế, chế tạo trong nước hoặc tìm kiếm thị trường khác.

Thực ra điều này cũng không quá lo ngại. Công nghệ mà mình nhập cho 2 dự án là công nghệ G7, là trang thiết bị phổ thông trên thế giới. Một số loại các nhà cơ khí trong nước có thể làm được, hoặc đi nhập ở nhiều nước trên thế giới.

Khi nhận chuyển giao thì mình cũng phải nắm được các dự án có mã nguồn. Trong hợp đồng, họ phải chuyển giao cho mình. Đấy cũng không phải công nghệ đặc biệt gì mà không chuyển giao.

  • Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

 

 

Nguyễn Hiền (ghi).

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *