Đầu tư 24/11/2013 16:02

Phải cho phá sản, sáp nhập những "đứa con hư"

FICA - Mặc dù đã được chính sách "nuông chiều", ưu đãi hết mực, nhưng thực tế cho thấy, hiệu quả của những đưa con cưng DNNN không đạt được bao nhiêu. Do đó, theo TS Đinh Tuấn Minh, trong giai đoạn còn nhiều DNNN như hiện nay có thể nhà nước cần vài công ty theo mô hình SCIC thay vì chỉ một công ty quản lý vốn nhà nước nếu như năng lực của công ty quản lý vốn hiện tại chưa đủ. Thậm chí phải cho phá sản, hoặc sáp nhập nếu chưa cổ phần hóa.

 

 

Được nuông chiều, nhưng kém hiệu quả

Góp phần tham luận tại báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành, TS Đinh Tuấn Minh đưa ra đánh giá, hiệu quả sử dụng tài sản của khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn đang kém hơn hẳn so với các khu vực doanh nghiệp khác khi nắm giữ nhiều nguồn lực hơn nhưng giá trị sản phẩm đầu ra lại thấp hơn.

Ông dẫn chứng, năm 2009, DNNN chiếm 37,2% nguồn vốn kinh doanh, 44,8% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, trong khi chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế, 20% giá trị sản xuất công nghiệp; chiếm tỷ trọng nhỏ trong lĩnh vực thương mại nội địa, nông thủy sản. Phần đạt giá trị xuất khẩu cao lại chủ yếu nhờ xuất khẩu nguyên liệu thô như dầu khí, than, quặng...

Xét về phương diện kinh tế thuần tuý, hiệu quả đầu tư của DNNN còn thấp so với các loại hình doanh nghiệp khác. DNNN phải sử dụng nhiều vốn kinh doanh hơn để tạo ra một đơn vị sản lượng hoặc lợi nhuận. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu năm 2009, trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và doanh nghiệp FDI là 1,3 đồng (mức trung bình của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam là 1,5 đồng).

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cuối tháng 11/2012 cũng cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2011 chỉ ở mức 12%, thấp hơn mức 13,1% của năm 2010.

Phần lớn các tổng công ty, tập đoàn không đạt mức tỷ suất lợi nhuận này vì có tới 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ bốn đơn vị là Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tập đoàn Cao su.

Có 13 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế 48.988 tỷ đồng từ năm 2010. Trong đó EVN là “quán quân” với khoản lỗ 38.104 tỷ đồng, tiếp theo là Vinalines, Petrolimex, Xăng dầu Quân đội v.v… Nhiều tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Tổng công ty Dâu tằm tơ, vốn chủ sở hữu âm 281 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng đường thủy âm 604 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Quá nhiều đầu mối và kém minh bạch

TS Minh cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến cho khu vực DNNN kém hiệu quả. Đó là quy mô của khu vực này quá lớn và mô hình quản lý (governance structure) có quá nhiều đầu mối và kém minh bạch. Do có qui mô lớn nên đã dẫn đến hiện tượng DNNN chèn ép khu vực tư nhân và khó có thể hạn chế được các thuộc tính phi kinh tế của khu vực này như vấn đề uỷ thác - đại diện và vấn đề ngân sách mềm.

Việc nhiều DNNN quy mô lớn lún sâu vào tình trạng không có khả năng thanh toán nợ đến hạn, thậm chí bên bờ phá sản mà không có cảnh báo sớm từ phía các chủ thể giám sát cũng là minh chứng điển hình cho hạn chế này.

Hơn nữa, cơ chế minh bạch hoá thông tin của DNNN 100% vốn nhà nước, tổng công ty, tập đoàn kinh tế còn yếu kém làm giảm hiệu quả của cơ chế giám sát từ bên ngoài đối với DNNN, hạn chế các đối tượng có liên quan, trước hết là các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác, nhà đầu tư tiềm năng và công luận có thể đưa ra đánh giá đúng và khách quan về thực trạng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Khu vực DNNN có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra quãng thời gian suy thoái kinh tế dài của Việt Nam hiện nay - TS Đinh Tuấn Minh đánh giá.

Để giải quyết được bất cập trong khu vực DNNN, ông Minh kiến nghị, các biện pháp mà Chính phủ cần tiến hành bao gồm cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp DNNN trên mọi lĩnh vực, giải thể và sáp nhập các DNNN với nhau trong trường hợp chưa cổ phần được.

Việc tiến hành cổ phần hóa nhanh chóng khu vực DNNN lúc này khác với giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi. Trong giai đoạn đầu, nếu tiến hành cổ phần hoá quá nhanh, trong khi cơ chế thị trường chưa được hoàn thiện, các doanh nghiệp sau khi được cổ phần hóa có thể sẽ không cải thiện được năng suất mà lại chuyển sang độc quyền tư nhân. Khi đó các doanh nghiệp cổ phần có thể chạy theo lợi nhuận mà giảm nhẹ các chức năng cung cấp các dịch vụ công ích.

Nhưng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, với hầu hết các hoạt động kinh tế đã dựa trên cơ chế thị trường, thì việc tiến hành cổ phần hoá triệt để các DNNN sẽ không dẫn đến hiện tượng việc cung cấp các dịch vụ công ích sẽ bị ngừng trệ.

Một SCIC là không đủ

Để tránh việc thu hẹp một cách hình thức khu vực DNNN, theo ông Minh, cần đưa ra mục tiêu giảm tỷ trọng đóng góp của DNNN vào nền kinh tế. Đồng thời, không nên đặt tiêu chí cứng về tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhà nước trong các ngành nghề khác nhau.

Theo đó, Nhà nước không nên đặt tiêu chí cứng rằng phải nắm giữ 100% cổ phần hoặc cổ phần chi phối (75% hay 65%) ở các DNNN trong một lĩnh vực nào đó. Việc tuyên bố như vậy vô hình trung tạo ra cơ cấu cứng nhắc cho nền kinh tế và cản trở quá trình cải cách DNNN.

Thay vào đó, theo ông, thông qua việc xác định các đặc tính của hàng hoá và dịch vụ công từng thời kỳ, nhà nước có thể tăng nắm giữ cổ phần ở một DNNN ở một lĩnh vực nào đó. Việc không có tiêu chí cứng về tỷ lệ vốn chủ sở hữu Nhà nước sẽ giúp Nhà nước dễ dàng thoái lui vốn ở các DNNN mà không cần thỏa mãn các tiêu chí về tính chuyên biệt của tài sản đầu vào và mức độ lợi ích chiến lược quốc gia của sản phẩm đầu ra và nhờ đó, có thể dồn vốn vào cho những lĩnh vực mà Nhà nước mới lựa chọn.

TS Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, trong giai đoạn còn nhiều DNNN như hiện nay có thể nhà nước cần vài công ty theo mô hình SCIC thay vì chỉ một công ty quản lý vốn nhà nước nếu như năng lực của công ty quản lý vốn hiện tại chưa đủ.

Mỗi một công ty quản lý vốn sẽ phụ trách một lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ công nào đó. Chẳng hạn, SCIC1 chuyên về đầu tư các công ty trong lĩnh vực tài nguyên, SCIC2 chuyên về các dịch vụ cơ bản (public utilities), SCIC3 chuyên về các công ty công nghệ cao, SCIC4 chuyên về các công ty trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, SCIC 5 chuyên về phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở, v.v.... Các SCIC này nên được đặt dưới sự quản lý tạm thời của một Uỷ ban cải cách DNNN.

Việc tập trung các DNNN vào các công ty quản lý vốn giúp giảm số đầu mối quản lý vốn nhà nước, tách hoạt động kinh doanh khỏi hoạt động xây dựng chính sách tại các Bộ. Sau một thời gian vận hành, chẳng hạn năm đến 7 năm, khi số lượng DNNN trong danh mục đầu tư của các công ty quản lý vốn này giảm, nhà nước có thể tiến hành sáp nhập các công ty quản lý vốn lại với nhau thành một công ty quản lý vốn duy nhất. Khi đó Chính phủ có thể giải tán Uỷ ban cải cách DNNN vì đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *