Đầu tư 24/03/2014 11:38

Ông Vương Đình Huệ: "Việt Nam chưa có đặc khu kinh tế đúng nghĩa"

FICA - Nói về vấn đề xây dựng các đặc khu kinh tế ở Việt Nam, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, cho đến nay ở Việt Nam chưa có một đặc khu kinh tế nào đã được xây dựng theo đúng nghĩa của nó.

 

Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên TW Đảng, Trưởng ban Kinh tế TW.

Trưởng ban Kinh tế TW Vương Đình Huệ cho biết, các khu kinh tế tự do (đặc khu kinh tế) trên thế giới là một vấn đề có tính phổ biến, là kết quả cụ thể của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Mục đích của việc xây dựng các đặc khu kinh tế là nhằm thu hút các nguồn lực (công nghệ hiện đại, nguồn vốn, nhân tài, ý tưởng phát triển...) từ bên ngoài nhằm tạo ra những cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng kinh tế, nền kinh tế phát triển.

Đồng thời, đặc khu kinh tế cũng là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước. Tiền thân của mô hình đặc khu kinh tế là các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế tự do.

Các mô hình này có lịch sử phát triển từ lâu với sự hình thành các "Cảng tự do" đầu tiên ở Italia vào năm 1547 và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ 18.

Mô hình "Cảng tự do" sau đó được mở rộng trên phạm vi một vùng lãnh thổ trở thành Khu mậu dịch tự do như Singapore (1819) và Hồng Kông (1842). Đến nay trên thế giới đã có hơn 3.500 khu kinh tế tự do tại 135 quốc gia.

Ở Việt Nam, tại Hội nghị Trung ương 4 khoá VIII (12/1997), ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất. Tuy nhiên, mãi đến năm 2002, chủ trương xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định và ến nay đã có 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000 ha.

Trưởng ban Kinh tế TW Vương Đình Huệ đánh giá, những khu kinh tế này đã đạt được các kết quả nhất định xét về các mặt thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết công việc làm ăn cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương...

Tuy nhiên, thể chế ở các khu kinh tế này tuy có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thu đất... nên so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới cònnhiều bất cập, không đủ sức cạnh tranh.

Mặt khác, ông cũng chỉ ra rằng, cho đến nay hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện các dự án đầu tư lớn nhưng ít có dự án đầu tư với công nghệ hiện đại.

Theo nhìn nhận của ông Huệ, Việt Nam là nước có lợi thế lớn về kinh tế biển, đảo với hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh, 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; là một trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260 km). Vì thế, việc xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã được lựa chọn. Tuy nhiên, để xây dựng thành công các đặc khu kinh tế trong thời gian tới ở Việt Nam, theo Ban Kinh tế TW, cần phải sớm xây dựng, thông qua Luật về đặc khu kinh tế (hoặc Luật về đặc khu hành chính - kinh tế) đã có trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XIII.

Bích Diệp

Chủ đề: FTA , EU , hợp tác Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *