Đầu tư 24/03/2015 11:00

Những sự thật khác như Dung Quất: Nuôi bò hơn bỏ hoang

Khu công nghiệp nào không hiệu quả thì "xoá sổ", còn không thì phải cho thuê. Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng thuê để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) khi trao đổi với Đất Việt về báo cáo kết quả rà soát tình hình hoạt động của các khu công nghiệp trên cả nước trong năm 2014 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) công bố.

 

Thiệt đơn thiệt kép

 

Theo báo cáo này, tính đến hết năm 2014, cả nước có 295 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 84 nghìn ha, trong đó có 5 khu thành lập mới. Tuy nhiên, khảo sát của Bộ KH&ĐT cho thấy, hàng loạt khu công nghiệp ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hoà, Ninh Thuận.... nằm trong diện "có vấn đề", phải  thu hồi do chưa có nhà đầu tư thuê hoặc chưa giải phóng mặt bằng.

 

Như vậy, một loạt các khu công nghiệp đã rơi vào tình trạng tương tự như nhiều khu kinh tế mà báo Đất Việt đã phản ánh trong loạt bài Những sự thật khác như Dung Quất...

 

Nhiều khu công nghiệp ở trong tình trạng hoang hóa. Ảnh: TBKTSG
Nhiều khu công nghiệp ở trong tình trạng hoang hóa. Ảnh: TBKTSG
Cho rằng đến thời điểm này mới tính toán thiệt hại của "hội chứng khu công nghiệp/khu kinh tế" đã là quá muộn, PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ ra rằng, nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng này chính là do quản lý của Việt Nam bị phân tán theo chính quyền địa phương mà không phải theo quy hoạch chung tổng thể cả nước, trong khi các tỉnh cũng không có quy hoạch chung của mình.

 

"Kiểu quản lý của Việt Nam quá coi trọng địa phương, địa phương cứ đề nghị ráo riết là được duyệt, thậm chí trao quyền cho địa phương quá lớn, để họ muốn làm gì thì làm. Trừ một số trường hợp đặc biệt, ảnh hưởng đến môi trường, an ninh quốc phòng mới có ý kiến của các bộ ngành chuyên môn".

Mặt khác, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, chính việc chạy theo thành tích, làm theo phong trào theo kiểu "tỉnh anh có khu công nghiệp/khu kinh tế, tỉnh tôi cũng phải có, huyện anh có huyện tôi cũng phải có..." dẫn đến tình trạng bội thực các khu công nghiệp, khu kinh tế. Chưa kể, có thể có động cơ về lợi ích cá nhân trong chuyện này.

 

"Người ta cứ đổ cho lý do yếu kém, non nớt nên mới ký duyệt, nhưng chẳng phải, bởi cán bộ mình bây giờ đều giỏi cả", ông Nam nói.

 

Việc Bộ KH&ĐT đề nghị thu hồi, chuyển đổi chủ đầu tư một loạt khu công nghiệp, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, cho thấy Bộ đã thấy được vấn đề, đặc biệt là những thiệt đơn, thiệt kép mà "hội chứng khu công nghiệp/khu kinh tế" gây ra. Đất đai của nông dân đang làm ra của cải giờ bị bỏ hoang, bao nhiêu tiền của của Nhà nước đổ vào đầu tư giờ không thu hồi được.

 

"Chỉ riêng chi phí đầu tư hàng rào quanh mỗi khu công nghiệp đã hàng chục tỷ, chưa kể tiền đầu tư giao thông, điện, nước... Có thể nói chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng mỗi khu công nghiệp/khu kinh tế đã lên tới hàng trăm tỷ, nơi lớn có thể cả ngàn tỷ. Thiệt hại lớn nên đau lắm!", ông Nam chua chát.

 

Nuôi bò còn hơn bỏ hoang!

 

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, vấn đề lớn nhất của các khu công nghiệp, khu kinh tế sau khi bị thu hồi chính là làm gì?

"Phải tuỳ theo hiện trạng của từng khu mà xử lý. Khu nào xoá sổ được thì xoá sổ, còn không thì phải cho thuê. Đất ấy bây giờ không phải của nông dân nữa, không trả thì có thể cho nông dân thuê 3-5 năm để họ lấy đất canh tác. Bây giờ có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng thuê lại để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không làm công nghiệp nữa thì họ làm cái khác".

 

Dẫn thông tin ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa phối hợp cùng một đơn vị khác xây dựng những trang trại bò sữa dọc 45km bờ sông Hồng, sông Đáy và Châu Giang thuộc tỉnh Hà Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam thốt lên, nếu các khu công nghiệp, khu kinh tế không hiệu quả làm được thế thì tốt quá.

 

"Bây giờ chăn nuôi công nghiệp chỉ cần thuê một khu đất như thế rồi họ làm đủ các thứ bên trong, từ làm trang trại chăn nuôi bò, lợn, gà, trồng cỏ, trồng cây thuốc... Họ không cần nhiều đất, chỉ cần dăm bảy chục ha là làm được, mà các khu công nghiệp toàn đất tốt cả. Rất nhiều ngành nghề đang phát triển rất cần đất. Do đó nếu cho thuê được thì cứ cho thuê, tuyệt đối không được bỏ hoang. Nếu bỏ hoang đất phải cách chức chủ tịch tỉnh, tức khắc họ phải làm", ông Nam kiến nghị.

 

Một điều khiến ông Nam băn khoăn là dù Bộ KH&ĐT đã có đề xuất xoá sổ các khu công nghiệp không thu hút được dự án nhưng điều đó vẫn chưa giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề.

 

"Muốn làm cương quyết thì không chỉ thu hồi dự án mà những ai ký ẩu, ký liều phải truy trách nhiệm để kỷ luật. Người ký duyệt lập nên những khu công nghiệp, khu kinh tế này mới là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Anh làm sai, thất thoát tài sản, tài nguyên của đất nước thì phải cách chức để răn đe những người sau".

 

Dù vậy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại vẫn tỏ ra bi quan khi "đây là cơ quan nhà nước, người nhà nước làm sai" nên rất khó giải quyết.

 

"Chưa có một quyết tâm trong sáng, lành mạnh hoá bộ máy nhà nước, ngay cả quyết tâm chống tham nhũng mới chỉ là hô khẩu hiệu thì làm sao mà làm được?", ông nói.

 

Theo Thành Luân

Đất Việt

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *