Đầu tư 18/06/2014 08:47

Lỗ 3 năm liên tiếp, SCIC sẽ bị xem xét giải thể!

FICA - SCIC sẽ bị xem xét giải thể nếu để xảy ra kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp và có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn nhà nước tại công ty trở lên...


Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo đó, SCIC hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và theo Điều lệ này. 

Ngành, nghề kinh doanh chính của SCIC là đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.

Nghị định nêu rõ, mục tiêu hoạt động của SCIC là phải kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu Nhà nước đầu tư tại SCIC và vốn của SCIC đầu tư tại doanh nghiệp khác. Đồng thời, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của SCIC gồm có: Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, bộ máy giúp việc.

Hội đồng thành viên của SCIC là đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn góp do SCIC tiếp nhận và đầu tư.

Hội đồng thành viên của SCIC có 7 thành viên, trong đó có thành viên chuyên trách và thành viên không chuyên trách. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại.

Tổng giám đốc SCIC do Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng bổ nhiệm và có nhiệm kỳ không quá 5 năm. Tuy nhiên, vị trí này sẽ bị miễn nhiệm nếu để SCIC lỗ 2 năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do Nhà nước giao trong 2 năm liên tiếp, hoặc ở trong tình trạng lỗ lãi đen xem nhau nhưng không khắc phục được (trừ một số trường hợp).

Nghị định này cũng yêu cầu, Chủ tịch HĐTV, Thành viên HĐTV và Tổng giám đốc SCIC không được sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của SCIC và lợi dụng chức vụ, quyền hạn quản lý, sử dụng vốn và tài sản của SCIC để thu lợi riêng cho bản thân hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Ngoài ra, các sếp SCIC không được đem tài sản của SCIC cho người khác, tiết lộ bí mật của SCIC trong thời gian đang thực hiện chức trách và trong thời hạn tối thiểu 3 năm đã thôi chức.

Với việc để xảy ra một trong những trường hợp như SCIC lỗ; để mất vốn nhà nước; quyết dịnh dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động; để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định thì Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và Tổng giám đốc SCIC sẽ không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm.

Điều lệ SCIC quy định, Tổng công ty này sẽ bị xem xét giải thể nếu để xảy ra kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp và có số lỗ lũy kế bằng 3/4 vốn nhà nước tại công ty trở lên, nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản. Hoặc không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 2 năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *