Đầu tư 30/11/2014 06:51

Làn sóng FDI thứ 3: Được tiếng và chờ miếng?

Khởi đầu quý IV, các tập đoàn đa quốc gia Samsung, Intel, Honda... tiếp tục công bố một kế hoạch mở rộng đầu tư mới. Tuy nhiên, hiệu ứng lan toả từ làn sóng thứ 3 này liệu có gì xán lạn hơn thực tế 20 năm thu hút FDI vừa qua hay không?

Số lương: Vượt mong đợi

 

Bên lề một hội thảo về tác động của Luật Đầu tư sửa đổi, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài còn băn khoăn về khả năng năm 2014, liệu Việt Nam có thể thu hút được 16-17 tỷ USD vốn FDI hay không. Vì điều này còn phụ thuộc vào chính các ông lớn FDI.

 

Chỉ 4 ngày sau, báo cáo chính thức của cục này đã đưa ra một con số vượt trên cả mong đợi đó.

 

Trong 11 tháng qua, vốn FDI đổ vào Việt Nam trên 17,3 tỷ USD, bằng 83% so với năm 2013. Điểm tên các dự án lớn nhất kể từ đầu năm đến nay, cơ quan này liệt kê có 4 dự án thì 3 dự án đều thuộc về Samsung, với tổng vốn lên tới 5,4 tỷ USD, bằng 31% tổng vốn FDI của cả nước hiện nay. Khủng nhất là tổ hợp công nghệ cao giai đoạn 2 vừa công bố hôm 11/11, có số vốn 3 tỷ USD, tại Thái Nguyên của Công ty điện tử Samsung.

 

Từ số vốn ban đầu chỉ 650 triệu USD, Samsung đã trở thành nhà đầu tư có tốc độ mở rộng sản xuất chóng mặt nhất, với tổng vốn rót vào Việt Nam là 11,2 tỷ USD.

 

FDI, Samsung, Nokia, Intel, chuyển-giá, lỗ, nợ, báo-lỗ, công-nghiệp-hỗ-trợ, vốn ODA.

Các nhà đầu tư FDI vẫn luôn có lòng tin dài hạn đối với điểm đến Việt Nam

 

Tổng giám đốc Intel Việt Nam mới đây đã khẳng định cuối tháng 11 này, các dây chuyền lắp ráp CPU tại nhà máy Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ được hoàn thành, chứng thực cho một kế hoạch chuyển dịch sản xuất từ Croatia sang, biến Việt Nam thành nơi cung ứng 80% bộ vi mạch bán dẫn cho thị trường thế giới.

 

Năm nay, Intel Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 40 triệu sản phẩm với giá trị xuất khẩu khoảng 1,8 tỷ USD nhưng năm 2015, con số này chắc chắn sẽ cao hơn.

 

Microsoft cũng đang cấp tập chuyển dịch các dây chuyền sản xuất điện thoại di động từ Hungari và một số quốc gia khác sang Việt Nam. Kế hoạch cải tổ này được triển khai quyết liệt ngay sau khi hãng mua lại toàn bộ mảng điện thoại thương hiệu Nokia của Phần Lan hồi tháng 4.

 

Hôm 10/11, ông lớn FDI quen thuộc khác là Honda (Nhật Bản) đã chính thức mở nhà máy sản xuất xe máy thứ 3 tại Hà Nam, cho thấy một tâm huyết thực sự muốn gắn bó lâu dài ở Việt Nam.

 

Ông Đặng Xuân Quang đánh giá, các nhà đầu tư FDI vẫn luôn có lòng tin dài hạn đối với điểm đến Việt Nam. Dấu hiệu phục hồi đã rõ ràng sau vài năm dòng vốn FDI sụt giảm.

 

Hiệu ứng chưa như mong đợi

 

Tuy nhiên, một câu hỏi luôn được đặt ra, Việt Nam sẽ gặt hái được gì sau những cuộc chuyển dịch hoàng tráng đó?

 

Tuy hiên, với cách Thái Nguyên, Bắc Ninh đang dành cho Samsung hay các địa phương của Việt Nam ưu ái những gói hỗ trợ cho ông lớn ngại thì DN Việt không bao giờ chạm tới.

 
FDI, Samsung, Nokia, Intel, chuyển-giá, lỗ, nợ, báo-lỗ, công-nghiệp-hỗ-trợ, vốn ODA.

Hiệu ứng lan toả từ làn sóng thứ 3 này liệu có gì xán lạn hơn thực tế 20 năm thu hút FDI vừa qua hay không?

 

Chẳng hạn, sẵn sàng tặng tới 50% tiền thuê hạ tầng, biếu không toàn bộ tiền thuế đất, kiên nhẫn chờ sau 16 năm mới thu 100% tiền thuế thu nhập.

Sự có mặt của các ông lớn FDI đã làm hấp dẫn hơn môi trường đầu tư Việt Nam, khiến các tỉnh, thành bé nhỏ cũng nhen nhóm tham vọng trở thành một thành phố công nghệ cao nổi tiếng khắp thế giới.

 

Tuy nhiên, điều đó còn phải chờ thời gian hàng chục năm để kiểm chứng, còn hiện tại?

 

Báo cáo của hải quan Bắc Ninh tiết lộ, 9 tháng đầu năm, Samsung đã xuất khẩu 15 tỷ USD thì nhập khẩu 15,9 tỷ USD, Nokia xuất khẩu 778 triệu USD thì nhập khẩu 938 triệu USD. Trước đó, năm 2013, Nokia xuất khẩu 209 triệu USD nhưng nhập khẩu lên tới 262 triệu USD.

 

Với việc các hãng tự mình nhập siêu từ vài chục triệu USD cho đến cỡ gần tỷ USD thì cũng chẳng khác nào, Việt Nam đang xuất khẩu hộ cho các nước láng giềng. Bộ Công Thương đã chính thức khẳng định sang năm 2015, chúng ta sẽ giã từ thành tích xuất siêu dựa hơi FDI mà chuyển sang nhập siêu trở lại.

 

Trong khi đó, việc Metro báo lỗ 12 năm, Keangnam báo lỗ cả nghìn tỷ để không phải nộp thuế... vẫn là thực tế đầy cảnh báo về đóng góp của các ông lớn cho kinh tế Việt Nam.

 

Kỳ vọng về hiệu ứng chuyển giao công nghệ lại ngày càng xa vời. Ông Ha Chan Ho, Cố vấn chiến lược tập đoàn Samsung đã khẳng định, "hiện trạng DN Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của phía Samsung về công nghiệp hỗ trợ, mặc dù cùng có nhu cầu nhưng hai bên vẫn chưa gặp nhau".

 

Ông Đặng Xuân Quang nhấn mạnh: "việc chuyển giao công nghệ cũng là một việc kinh doanh trên thị trường, bản thân công nghệ cũng là một thứ hàng hoá, sản phẩm và các nhà đầu tư cũng sẽ chỉ chuyển giao khi họ thấy có lợi cho họ".

 

"Với Việt Nam, đương nhiên một mục tiêu đặt ra khi thu hút FDI là tiếp nhận được công nghệ mới, nhưng điều này không phải do Chính phủ hay DN FDI quyết định mà còn tuỳ thuộc khả năng chúng ta có hấp thụ được hay không. Cách đặt vấn đề hợp lý hơn là chúng ta nên tạo ra môi trường thuận lợi, tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển giao công nghệ đó diễn ra", ông Quang phân tích.

 

GS Nguyễn Mại lạc quan hơn cho rằng, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng FDI lớn thứ 3, sau 2 thời kỳ đỉnh cao 1991-1997 và 2005-2008.

 

Với 5 Tập đoàn lớn vừa mở rộng vào Việt Nam và sự có mặt của khoảng 100/500 tập đoàn xuyên quốc gia TNC lớn nhất thế giới, làn sóng này chất lượng hơn trước.

 

Dù sao, nếu việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thông qua kỳ họp Quốc hội này thì đây sẽ là cơ hội lớn cho giai đoạn 2015-2016 tạo ra các tác động lan toả FDI thông qua công nghiệp hỗ trợ.

 

Theo Phạm Huyền

Vietnamnet

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *