Đầu tư 31/08/2018 16:45

Lại thêm loạt dự án BOT động vào là thấy "sai sót, vi phạm"

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã chỉ ra nhiều bất cập, thiếu sót của các đơn vị thực hiện một số dự án BOT cũng như của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nhiều dự án BOT để xảy ra các tồn tại, hạn chế.

Nhiều dự án BOT để xảy ra các tồn tại, hạn chế.

Sai sót tại hai dự án BOT Bình Định

Đơn cử như tại và Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km1125 - Km1153 tỉnh Bình Định (Bắc Bình Định) được phê duyệt khi chưa phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng với quy định. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư còn một số sai sót, hạn chế làm tăng tổng mức đầu tư hơn 31 tỷ đồng.

Đến thời điểm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, Bộ GTVT đã không công bố lại danh mục dự án khi điều chỉnh phạm vi dự án. Hơn nữa, thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư cũng không được đăng trên Báo Đấu thầu theo quy định.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi tạm ứng chưa tuân thủ quy định hợp đồng, chưa thu hồi hết tạm ứng khi thanh toán đến 80% giá trị hợp đồng với giá trị 10,33 tỷ đồng làm phát sinh khoản chi phí lãi vay 468 triệu đồng. Đến thời điểm 31/12/2016, tổng giá trị công nợ còn nợ nhà thầu 78,81 tỷ đồng.

Đoàn kiểm toán cùng với nhà đầu tư đã thực hiện rà soát các chỉ tiêu đầu vào để tính toán lại thời gian thu phí tạm tính là 15 năm 7 tháng, giảm so với thời gian hoàn vốn tại Hợp đồng BOT là 4 năm 7 tháng.

Tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn Km1212+400 - Km1265, tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên (Dự án Nam Bình Định) cũng được phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư cũng có sai sót làm tăng tổng mức đầu tư 82,25 tỷ đồng.

KTNN cũng chỉ rõ, một thiếu sót nữa là Bộ GTVT đã chấp thuận cho nhà đầu tư khởi công dự án khi chưa đảm bảo điều kiện khởi công theo quy định, chưa phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở kịp thời.

Liên quan đến phương án tài chính, Đề án thu phí, KTNN cũng cho rằng, việc chỉ tổ chức khảo sát lưu lượng xe trong 2 ngày trên một đoạn tuyến là chưa đảm bảo số mẫu để xác định lưu lượng phương tiện trung bình trong năm. Tổng vốn đầu tư trong phương án hoàn vốn còn chưa tính đến phương án hoàn thuế Giá trị gia tăng của các chi phí hình thành công trình.

BOT Hà Nội - Bắc Giang và BOT Hòa Lạc - Hòa Bình nhiều "hạn chế"

KTNN cũng đã có kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (dự án 1) và Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (dự án 2) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang được đầu tư với tổng nguồn vốn 2.834 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 471 tỷ đồng, vốn vay 2.363 tỷ đồng; Dự án còn lại với tổng nguồn vốn gần 1.365 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu trên 208 tỷ đồng, vốn vay gần 1.038 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cho thấy, cả 2 dự án vẫn còn một số hạn chế, sai sót trong quản lý đầu tư xây dựng và quản lý tài chính, kế toán: Thiết kế bản vẽ thi công một số hạng mục chưa phù hợp; công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu còn thiếu sót về đơn giá, định mức, khối lượng, làm tăng giá trị dự toán 45,8 tỷ đồng (Dự án 1); công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán còn sai về khối lượng, đơn giá và một số sai khác làm tăng giá trị dự toán 65 tỷ đồng (Dự án 2).

Cùng với đó, công tác lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng BOT còn hạn chế. Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát của đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Dự án 1 vẫn thiếu chặt chẽ ở một số khâu dẫn đến một số sai sót trong quá trình kiểm tra, giám sát như: lập, thẩm định dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng BOT; phân tách chi phí chuẩn bị đầu tư cho dự án.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Lợi: Phải điều chỉnh thời gian thu phí hoàn vốn

Tại Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Lợi (Km34+826-QL50), nối 2 tỉnh Long An và Tiền Giang (Dự án), KTNN cũng chỉ ra rằng, các đơn vị liên quan đã cơ bản chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng, song còn một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Dự án.

Kết quả kiểm toán cho thấy, Dự án được phê duyệt đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ nhưng chưa nêu được khả năng thu xếp vốn, khả năng cấp vốn theo tiến độ nên quá trình thực hiện gặp khó khăn phải chuyển đổi sang hình thức BOT (hợp đồng - kinh doanh - chuyển giao).

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Dự án với quy mô 4 làn xe cơ giới, chưa phù hợp quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, điều này dẫn đến khi chuyển đổi sang hình thức BOT phải điều chỉnh lại quy mô 2 làn xe.

Sau khi chuyển đổi sang hình thức BOT năm 2013, việc Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, công bố danh mục Dự án và đăng tên trên Trang Thông tin đấu thầu trước khi có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là chưa đúng quy định.

Cũng theo đánh giá của KTNN, trong giai đoạn phần vốn NSNN, Dự án được phê duyệt nguồn vốn, quy mô chưa phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, làm phát sinh, tăng chi phí một số hạng mục giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Giai đoạn phần vốn BOT, dự toán được phê duyệt còn sai sót về khối lượng, đơn giá và định mức. Qua kiểm tra, phát hiện sai lệch (tăng) với giá trị 3,95 tỷ đồng.

Phương Dung

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *