Đầu tư 21/03/2015 15:06

Kinh doanh bằng “quan hệ” sẽ không còn nữa đâu!

FICA - Chia sẻ về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Hai cái thiếu lớn nhất của DN Việt Nam sắp tới là công nghệ và quản trị để hội nhập và chống đỡ thách thức.

Ông Lộc nhấn mạnh, các DN Việt Nam còn yếu về quản trị kinh doanh, sắp tới kinh doanh theo kiểu sử dụng các mối quan hệ với quan chức, với ngành, bộ sẽ không còn nữa đâu. Cơ chế thị trường sẽ điều tiết và buộc các anh phải chấp nhận sân chơi sống còn. Có chăng các CEO trẻ nên tự học lớp “bình dân học vụ” về quản trị kinh doanh.

 

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, đã đến lúc tự bản thân các DN phải bổ túc trình độ, không nên dựa dẫm vào các mối quan hệ để kinh doanh.

 

Tạo lập Nhà nước kiến tạo, phát triển

 

Phát biểu tại Tại Diễn đàn CEO 2015, “Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh” được tổ chức tại Hà Nội ngày 20/3 nhiều chuyên gia, DN đều tập trung bàn thảo về Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm (2015 - 2016) vừa được Chính phủ ban hành ngày 12/3. Đánh giá về Nghị quyết này, nhiều chuyên gia, CEO đều hồ hởi với quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam thoát khỏi rốn trũng của môi trường cạnh tranh.

 

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Chính cộng đồng doanh nghiệp cũng phải vượt lên chính mình, Chính phủ dám vượt qua chính mình, đặt mục tiêu vươn đến hàng đầu ASEAN.Chính phủ đã đột phá, giờ chỉ cần doanh nghiệp hành động và tự nâng mình lên tầm khu vực và thế giới. Để có thể chiến thắng trong bối cảnh toàn cầu.

 

“Chính phủ đã đột phá và cam kết với cộng đồng cải cách những vấn đề của mình, của các bộ ngành và giờ đây chỉ còn chờ các doanh nghiệp (DN) hành động. Chính phủ sẽ kiến tạo và tạo lập, còn DN phải là những người chủ công trong hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng tôi cầu thị các DN hãy hành động và kiến nghị với chúng tôi, với Chính phủ những yếu kém và giải pháp để đạt được mục tiêu ấy”, ông Lộc nhấn mạnh.

 

Theo vị đại diện của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hai từ khóa chính trong Nghị quyết 19/2015/NQ-CP là vươn đến chuẩn của WB và ASEAN. Đây là thành tố, động lực để Chính phủ thực hiện các cải cách đột phá. Lần đầu tiên, Chính phủ đã đặt nền kinh tế của Việt Nam trong bảng xếp hạng so với các nền kinh tế thế giới của WB, để định vị nền kinh tế Việt Nam. Lần đầu tiên, Chính phủ mạnh dạn đặt mục tiêu làm mọi cách để môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt tốt nhất, bằng 4 nước của ASEAN. Chính phủ phấn đấu năm 2016, Việt Nam phải có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong các nước ASEAN.

 

Cho các CEO đi học bình dân học vụ về… kinh doanh

 

Tuy nhiên, các đại biểu dự Diễn đàn cũng chỉ ra điểm yếu lớn nhất của nội tại DN Việt Nam hiện nay có đến 96% DN nhỏ, trong đó còn có rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp gia đình. Còn các doanh nghiệp cỡ vừa, lớn thì chúng ta rất ít. Chúng ta chỉ có tầm 2% doanh nghiệp lớn, 2% doanh nghiệp cỡ vừa.

 

Nền kinh tế của chúng ta đang rơi vào hội chứng quá thừa các doanh nghiệp nhỏ, nhưng lại thiếu doanh nghiệp cỡ vừa, lớn. Tỷ lệ DN lớn 2% là trung bình nhưng sau gần 30 năm đổi mới, không thể chỉ có 2% DN cỡ vừa, phải có 1 lực lượng cỡ vừa đông đảo. Không chỉ trông chờ vào 2% doanh nghiệp lớn rồi còn lại toàn DN cỡ vừa và li ti. Đội ngũ siêu giàu chỉ 1 số người nhưng những người giàu bình thường lại rất ít.

 

Chúng ta phải xây dựng đội ngũ DN vừa nhiều hơn nữa bởi chính họ là những mắt xích quan trọng nhất để kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bức tranh về công nghệ và quản trị, chưa đầy 10% DN Việt Nam sử dụng công nghệ mới, 30% DN sử dụng công nghệ “tàng tàng” của thế giới và trên 30% DN đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Họ sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2 – 3 đời so với công nghệ của thế giới, có đến 70% các DN nhỏ, vừa sử dụng công nghệ lạc hậu.

 

Theo các đại biểu tại Diễn đàn, Việt Nam hiện đang đứng trước thách thức từ công nghệ đối với sản xuất và trình độ quản lý, đưa ra những quyết định thực tiễn phát triển cần có năng lực quản trị, lãnh đạo tốt. Tuy nhiên, đây là hai mặt mà các DN Việt Nam cỡ nhỏ và vừa cực yếu.

 

Về mặt quản trị, phần lớn DN của chúng ta không hề được đào tạo về quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, quản lý tài chính. Thời gian vừa qua, các DN hoạt động quá vất vả, nếu chỉ kinh doanh bằng quan hệ thôi, bằng cách cũ như đã làm thì ra biển lớn sao được?

 

“Các vị CEO nhiều người còn rất trẻ, rất năng động và có nhiều mối quan hệ nhưng kinh doanh ở Việt Nam sắp tới sẽ không còn bằng chỉ quan hệ đâu mà phải bằng sức mạnh thương trường. Chúng tôi lưu ý cần mở lớp bình dân học vụ cho đội ngũ các lãnh đạo doanh nghiệp vừa, nhỏ siêu nhỏ để có thể đối phó với những thách thức, khó khăn trong xu thế hội nhập nền kinh tế toàn cầu sắp tới. Các DN Việt Nam còn yếu về quản trị kinh doanh, sắp tới kinh doanh theo kiểu sử dụng các mối quan hệ với quan chức, với ngành, bộ sẽ không còn nữa đâu. Cơ chế thị trường sẽ điều tiết và buộc các anh phải chấp nhận sân chơi. Có chăng các CEO trẻ nên tự học lớp “bình dân học vụ” về quản trị kinh doanh, trong đó cần nhất là quản trị tài chính và quản trị rủi ro”, ông Vũ Tiến Lộc bình luận.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *