Đầu tư 21/03/2015 08:05

Không để thất thoát tài sản, vốn Nhà nước

Việc chuyển giao tài sản công như nhà ga, cảng biển, hàng không nếu nhiều nhà đầu tư quan tâm thì phải thực hiện đấu thầu, đấu giá công khai", ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Cảng biển, nhiều vấn đề đặt ra khi chuyển giao tài sản công như thế này sang tay tư nhân. Ảnh: Lê Việt.Cảng biển, nhiều vấn đề đặt ra khi chuyển giao tài sản công như thế này sang tay tư nhân. Ảnh: Lê Việt.
 

Ông Trần Đức Thắng cũng nhấn mạnh: "Lưu ý đây là tài sản lớn đặc thù, chuyển nhượng có thời hạn nên làm gì cũng cần đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách, an ninh quốc gia”.

Với tư cách là đơn vị đang tham vấn cho Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải xây dựng cơ chế khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt và tới đây là cảng biển, đường thủy nội địa và hàng không, ông nhìn nhận việc chuyển nhượng hạ tầng này thế nào?

Đây không phải là việc mới ở đất nước mình, càng không mới với thế giới, người ta làm cả trăm năm nay. Chỉ nói riêng nhóm tài sản hạ tầng, đường bộ đã làm khá tốt, bởi bản chất đây là bán quyền khai thác, quyền thu phí. (ví dụ như hình thức BOT, chính sách đã có từ lâu). Riêng đối với hàng không là tài sản lớn, đầu tư sân bay lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhà nước chi tiêu như vậy trong khi cần rất nhiều tiền để đầu tư thì việc bán, chuyển nhượng có thời hạn là đúng, cần thiết. Hầu hết những công trình tư nhân làm đều tốt  hơn.

“Chúng tôi chưa bàn chuyện chuyển nhượng cảng biển vì theo kế hoạch sẽ là năm 2016. Quá trình cổ phần hóa vẫn theo nguyên tắc hiện tại đảm bảo giao thông bình thường và phát triển hơn. Tư nhân khai thác thì lượng hàng hóa thông qua cảng biển, hàng hóa, hành khách ít nhất phải bằng hoặc hơn hiện nay”.

Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản

Năm 2013, Cục Công sản đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 10 về đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Năm 2015, chúng ta sẽ làm kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt. Đây là vấn đề lớn khi đường sắt là ngành chậm thay đổi nhất, bao nhiêu năm nay hạ tầng vẫn không đổi nhiều so với mấy chục năm trước.

Hiện, Cục Công sản phối hợp Cục Đường sắt, Tổng công ty đường sắt Việt Nam để báo cáo các bộ trưởng Tài chính, Giao thông và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt. Còn năm 2016- 2017, dự kiến sẽ ban hành cơ chế đối với cảng biển, đường thủy nội địa và hàng không.

Đại diện Bộ Giao thông cho biết nếu có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến nhà ga T1 sẽ tiến hành đấu thầu. Vậy căn cứ nào để định giá, đấu giá. Nếu diễn ra, Cục Quản lý Công sản tham vấn sao?

Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản.
 

Thực ra, các cơ chế bán nhà ga sân bay đã nằm đâu đó các văn bản hiện hành, nhưng đó là cơ chế quy định chung cho tất cả các loại tài sản, riêng cho một trường hợp cụ thể thì cần xây dựng cơ chế riêng. Bộ Giao thông sốt ruột muốn có kinh phí để đầu tư công trình khác thì cũng phải nằm trên cơ sở hiện hành đó. Hiện, cơ chế tài chính có, nhưng chưa rõ từng tài sản, nên có thể xin riêng cơ chế trên nền chung. 

Tuy nhiên ở đây không đơn giản là định giá. Với tài sản lớn, quan trọng, phục vụ nhiều đối tượng như vậy, làm gì cũng phải đảm bảo vận tải vận chuyển hành khách an toàn và an ninh quốc gia. Điều kiện đưa ra để chọn nhà đầu tư khai thác cần tính toán kỹ lưỡng. Khi lựa chọn nhà đầu tư, ngoài yếu tố giá (cao nhất) ngoài pháp luật về đấu thầu quy định, còn cần đảm bảo những yêu cầu tài chính khác như: đảm bảo mức thu không tăng, hoặc tăng hợp lý, hợp đồng chuyển giao có thời hạn.

Chọn đối tác khai thác: thận trọng, kỹ lưỡng

Chuyển giao tài sản công dù có thời hạn vẫn cần “đầu bài” cho nhà đầu tư. Ví như việc nếu giao nhà ga T1 cho một đơn vị khai thác, theo ông cần lưu ý gì?

Khi chuyển giao quyền khai thác tài sản, quan trọng nhất đảm bảo tài sản, công trình đó vẫn phải hoạt động bình thường, không gây ảnh hưởng hoạt động bình thường của hàng không, hành khách và các cơ quan có liên quan (bị tăng phí hoặc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh). Phải thực hiện công khai, minh bạch; nếu nhiều nhà đầu tư quan tâm phải thực hiện đấu thầu, đấu giá.

Vậy, khả năng trả giá cao hay phương án khai thác của nhà đầu tư được nhà nước quan tâm hơn?

Phải nói rõ đây là chuyển nhượng có thời hạn. Đây là tài sản lớn và đặc thù, không thể yêu cầu như các bài toán đầu tư bình thường là bỏ tiền ra để thu hồi vốn quá 12 năm thì không đầu tư. Cứ bắt buộc các điều kiện đó thì mức thu với hành khách, doanh nghiệp sẽ rất cao, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Không phải lúc nào câu chuyện bán với giá cao nhất cũng là quan trọng nhất. Quan trọng là phải hoạt động bình thường và nhà nước thu được khoản tiền sau khi nhượng quyền khai thác thời gian để đưa đi đầu tư công trình sân bay, bến cảng, con đường đẹp đẽ hơn. Thường một nhà ga, tính phải 20 năm thu hồi vốn thì rất khó.

Tuy nhiên, hiện Cục Công sản chưa nhận được đề nghị chính thức tham gia việc đó, mà chỉ nắm thông tin qua báo đài. Với nhiều kinh nghiệm từng tham mưu cho Bộ và Chính phủ về việc này, khi có đề nghị chúng tôi sẽ tham gia trên cơ sở quy định pháp luật, đảm bảo việc chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo không để thất thoát, tài sản tiền vốn của nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Lo ngại lớn nhất trong chủ trương chuyển nhượng hạ tầng giao thông là tài sản nhà nước bị bán rẻ. Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng ở đây, Bộ GTVT cần tổ chức đấu thầu thẩm định giá các công trình đó. Sau khi có kết quả thẩm định của bên thứ ba trúng thầu, Bộ chủ quản có thể thành lập Hội đồng thẩm định lại kết quả đó. Như thế càng chắc chắn, đảm bảo kết quả thẩm định có hợp lý và sát giá hay không.

Theo Tuấn Đức - Khánh Huyền

Tiền Phong

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *