Đầu tư 19/03/2015 08:23

Không cần thông tư về nhập khẩu máy móc cũ?

"Tốt nhất là không nên có thông tư này vì trong các quy định đã có đủ những quy định về kiểm định máy móc thiết bị cũ"- ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói.

Ông Nguyễn Mại: Điều quan trọng là nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 (quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng) tại Hà Nội sáng 18-3, ông Nguyễn Mại cho rằng, “một thông tư như vậy” không những không ngăn chặn được việc nhập khẩu máy cũ (dạng không thể sử dụng được) mà còn “làm  khó” những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước  ngoài muốn chuyển dây chuyền máy móc vào Việt Nam để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tại sao ông cho rằng không cần thiết có một thông tư quy định về việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng?

Quan điểm cá nhân tôi tốt nhất là không nên có thông tư này vì trong các quy định đã có đủ những quy định về kiểm định máy móc thiết bị cũ. Phải xem lại quy định của các thông tư thuộc các Bộ khác. Ví dụ như sau khi có góp ý của Bộ Giao thông Vận tải, dự thảo Thông tư đã loại bỏ danh mục của bộ này.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có danh mục nhập khẩu thiết bị y tế cũ và tôi chắc rằng nhiều bộ cũng ban hành danh mục thiết bị đã qua sử dụng thuộc chức năng quản lý rồi.

Quy định về đầu tư công cũng có quy định chặt chẽ đối với quy trình nhập khẩu của Nhà nước, do đó đâu cần thông tư này. Trước đây, Vinashin, Vinaline nhập hàng trăm triệu đồng máy móc cũ là do người đứng đầu tự tung tự tác, thông đồng với cơ quan giám sát để nhập, sau hàng chục năm mới phát hiện ra, điều đó không có nghĩa là có thông tư này mới ngăn chặn được việc nhập khẩu máy móc cũ.

Vậy quan điểm của ông như thế nào về vấn đề quan tâm nhất của cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo thông tư này, đó là quy định về điều kiện nhập khẩu?

Dự thảo Thông tư đưa ra 2 tiêu chí để “định dạng” thế nào là thiết bị cũ, hoặc là 80% (chất lượng) hoặc là 10 năm (thời gian). 10 năm thì có thể tính được nhưng 80% chất lượng thì tôi đã đi nhiều hội thảo về vấn đề này, tại đó, các cán bộ làm trong ngành kiểm tra chất lượng đều nói là không thể nào kiểm định được 1 nhà máy, một dây chuyền còn bao nhiêu % nếu không lắp rắp lại.

Trước đây khi tôi còn làm ở Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, đối với quy định về dây chuyền, máy móc đã qua sử dụng lúc đó Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng quy định phải đạt 70% chất lượng. Có lần mấy ông doanh nghiệp Nhật Bản nói với tôi “người ta không cho nhập khẩu vì bảo chỉ có 60%, hôm sau lại bảo với tôi là nhập được rồi vì cần 1 cái phong bì nặng là lên 70% thôi”.

Do đó, tôi mới nói, tốt nhất là xem xét không cần một thông tư như thế này nữa bởi đáng lẽ Thông tư 20 có hiệu lực thi hành từ 1-9-2014 nhưng sau khi Thủ tướng yêu cầu tạm dừng để sửa đổi đến nay là hơn 6 tháng rồi, không có thông tư này thì mọi chuyện vẫn tốt đẹp.

Tuy nhiên nếu không có một thông tư về nhập khẩu máy móc thì có e ngại là Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ không, thưa ông?

Chúng ta luôn luôn phải đề phòng. Như Thái Lan họ không kiểm soát khi nhập khẩu nhưng Thái Lan có phải là bãi rác công nghệ của thế giới đâu bởi khi đưa vào sử dụng, quy định của họ rất nghiêm: nếu vi phạm luật về chất lượng, môi trường, an toàn sẽ bị tịch thu hoặc tiêu hủy. Do đó, có thể thấy rằng, điều mà Việt Nam không có là làm thế nào để tìm được công nghệ thích hợp nhất và sử dụng hiệu quả.

Hiện có 5.000 container đang nằm ở cảng, để giải phóng lượng container ấy tốn biết bao nhiêu tiền, trong đó khoảng 3.000 container là vô chủ. Cái đó là do ai, đấy là do doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước.

Chúng ta cũng biết một doanh nghiệp FDI sớm nhất ở Đồng Nai. Họ đã làm cả 1 hệ thống xử lý nước thải nhưng mình không giám định nên họ không sử dụng mà xả thẳng ra ngoài, khi có kiện cáo lúc đấy cơ quan quản lý Nhà nước mới vào cuộc.

Do đó, điều quan trọng là nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, chúng ta có thể chế rồi thì nâng cao năng lực của thể chế, thường xuyên kiểm tra giám sát, đừng để quá tải như container. Với một thông tư như thế này, cộng với sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý cũng đừng hy vọng là không bao giờ có rác thải.

Có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo sẽ gây thêm phiền phức và cản trở mục tiêu, dự định của các doanh nghiệp FDI khi muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào?

Đối với các doanh nghiệp FDI, không ai dại gì đưa dàn máy trăm triệu USD vào Việt Nam rồi để đắp chiếu nằm đó. SamSung là một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đến nay đã đầu tư tại Việt Nam 11,2 tỷ USD, họ đã có kế hoạch đầu tư lên 20 tỷ USD, vừa rồi, lãnh đạo SamSung gặp tôi có nói sắp tới họ sẽ chuyển một nhà máy từ Malaysia sang, tuy nhiên, có thông tư này thì sẽ hạn chế vì thủ tục phức tạp hơn nhiều.

Microsoft cũng sắp chuyển thêm 2 nhà máy nữa vào Việt Nam để mở rộng hoạt động, nghĩa là chuyển vào nước ta thêm 1,2 tỷ USD nữa. Đây là những ví dụ để thấy chúng ta đang có cơ hội tốt để thu hút đầu tư, nên theo tôi là không nên có thông tư này.

Xin cảm ơn ông!

Theo An Tư (ghi)
Báo Hải quan
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *