Đầu tư 03/11/2013 09:34

Khó khăn bủa vây ngành cà phê!

“Nợ xấu tăng cao, việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) vẫn còn vướng mắc trong khi niên vụ cà phê mới đang tới gần khiến không ít doanh nghiệp (DN) trong ngành cà phê lâm vào thế khó khăn.

 

Niên vụ 2012/2013 sản lượng và giá trị xuất khẩu cà phê đã giảm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết: trong niên vụ 2012/2013 vừa qua, tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 1,4 triệu tấn với kim ngạch gần 3 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 10% giá trị so với niên vụ trước. Niên vụ này là niên vụ giá cà phê xuất khẩu xuống thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Theo ông Hải, sản xuất cà phê nước ta đang gặp nhiều khó khăn như tình trạng hạn hán kéo dài, chi phí đầu vào tăng, lượng cây cà phê già cỗi chiếm đến 30% có năng suất thấp đã khiến cho sản lượng cà phê sụt giảm. Dự kiến, niên vụ cà phê 2013/2014 sản lượng cà phê sẽ giảm khoảng 15% do tác động của các yếu tố trên.

Đối với hoạt động kinh doanh của các DN, tình trạng trốn thuế, gian lận thuế, chiếm đoạn thuế VAT cao trong gần 1 năm nay đã tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng. Cụ thể, những DN trốn thuế, gian lận thuế mua giá cao nhưng bán ra giá thấp khiến những DN kinh doanh chân chính không cạnh tranh được. Ngoài ra, do cơ chế hoàn thuế VAT còn nhiều vướng mắc cũng gây không ít khó khăn cho các DN. Có DN từ tháng 2/2013 tới giờ vẫn chưa được hoàn thuế, thậm chí có DN có số tiền hoàn thuế lên tới 30-40 tỷ nhưng vẫn bị cơ quan thuế “ngâm ” vì chưa xác minh xong các thủ tục. Đây là nguyên nhân khiến các DN kẹt về vốn, khó thu mua kịp thời cà phê ở niên vụ mới.

Ông Nguyễn Xuân Thái- Giám đốc Công ty TNHHMTV Thắng Lợi- nhìn nhận, sản lượng niên vụ 2013/2014 sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng của thời tiết trong khi giá cà phê bán ra đang ở mức thấp, khiến cho việc sản xuất cà phê đang thua lỗ. Nếu nhà nước, các bộ ban ngành không có các biện pháp cụ thể cho ngành cà phê vượt khó thì ngành sẽ đi vào “ngõ cụt”. Cũng theo ông Thái, việc hoàn thuế VAT như một đòn “chí mạng” với các DN xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn hiện nay khi cơ quan thuế không ngừng làm khó DN.

Chung quan điểm, ông Đỗ Hà Nam- TGĐ Công ty CP Intimex- cho rằng, trước đây việc hoàn thuế VAT được cơ quan thuế làm theo nguyên tắc hoàn trước, kiểm sau. Tuy nhiên, theo Công văn7527/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc áp dụng kiểm trước hoàn sau đã khiến DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn trong vấn đề tài chính. “Quy định này là vô cùng bất hợp lý vì các mặt hàng nông sản xuất khẩu nói chung và cà phê nói riêng hiện nay đều phải mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian mới đến DN chế biến, xuất khẩu. Do đó, để đợi được hoàn thuế VAT nhiều khi hồ sơ của DN sẽ bị ngâm vô thời hạn vì cơ quan thuế không thế xác định được hóa đơn đến người bán cuối cùng” ông Nam bức xúc.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai- TGĐ Công ty Packsimex- cho biết, công ty bà đã tạm ngưng xuất khẩu vì vướng mắc của quy định kiểm trước hoàn sau mà cơ quan thuế đang áp dụng. Nếu tình trạng này không được giải quyết kịp thời thì trong thời gian tới không chỉ ngành cà phê mà các mặt hàng nông sản khác cũng rơi vào bế tắc.

Để ngành cà phê phát triển bền vững, Vicofa đã đề nghị Chính phủ triển khai thu mua tạm trữ khoảng 200.000 tấn cà phê để ngăn đà giảm giá và ảnh hưởng đến xuất khẩu, đời sống của người trồng cà phê. Riêng vấn đề liên quan đến thuế VAT, Hiệp hội đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét đối với các DN xuất khẩu tạm thời dừng hoàn thuế VAT 1 năm với các hóa đơn mua hàng xuất khẩu từ 1/11/2013. Tuy nhiên, về lâu dài, Vicofa kiến nghị bỏ thu thuế VAT vì mặt hàng cà phê nhân xuất khẩu tới 95%, chỉ có 5% tiêu thụ trong nước. Vicofa cũng đề nghị Chính phủ xem xét miễn thuế đất cho người sản xuất cà phê và hỗ trợ người nông dân tái canh cây cà phê.

Theo Thùy Dương

Báo Công thương

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *