Đầu tư 29/06/2018 11:53

Hà Nội đang “gánh” bao nhiêu nợ công?

Dư nợ vay tính đến hết năm 2017 của thành phố Hà Nội là 9.816 tỷ đồng, bằng 18,5% mức quy định tối đa.

Báo cáo mới đây của UBND TP. Hà Nội cho biết, dư nợ vay tính đến hết năm 2017 của thành phố là 9.816 tỷ đồng. Các khoản vay được Thành phố sử dùng để thực hiện đầu tư các công trình trọng điểm, thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương giao thông nông thôn.

Ngoài ra Thành phố vay lại vốn vay nước ngoài (ODA) của Chính phủ để thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA theo hiệp định đã ký kết của Chính phủ như các tuyến đường sắt đô thị, dự án nước sạch và vệ sinh nông thôn…

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định, các khoản vay của Thành phố được quản lý chặt chẽ và trả nợ đúng hạn. Mức dư nợ vay của Thành phố năm 2017 bằng 18,5% mức quy định tối đa, nằm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định của Luật.

UBND TP cũng cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Nghị định 63/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, mức dư nợ vay tối đa không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Nghĩa là mức dư nợ tối đa được cho phép của Hà Nội là 53.092 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công/GDP tính đến cuối năm 2017 của cả nước đã giảm. Dư nợ công đến năm 2017 ở mức 61,4%GDP, trong khi trước đó năm 2016 là 63,8%.

Mặc dù nợ công cao và áp lực trả lớn song theo đại diện Bộ Tài chính, trước nhu cầu đầu tư phát triển vẫn còn lớn, bội chi ngân sách vẫn còn cao (năm 2018 là 3,7%) nên vẫn phải tăng cường huy động nguồn vốn vay trong nước, nước ngoài.

Cũng theo Bộ Tài chính, quy mô nợ của chính quyền địa phương hiện ngày càng lớn. Đến hết ngày 31/12/2017, mức dự nợ vay của các địa phương là khoảng 66.654 tỷ đồng, bằng 1,2% GDP và bằng 29,2% mức dư nợ được phép theo quy định của Luật NSNN (mức dư nợ được phép của các địa phương theo dự toán năm 2018 là 228.193 tỷ đồng); hạn mức các địa phương còn được phép vay khá lớn khoảng 162.064 tỷ đồng, bằng 2,9% GDP.

Do vậy theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương là cần thiết, đảm bảo đủ cơ sở pháp lý và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Hiện Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương nhằm kiểm soát chặt chẽ nợ của chính quyền địa phương từ lập kế hoạch vay nợ và việc huy động các nguồn vốn vay; phân bổ, sử dụng vốn vay và bố trí nguồn lực tài chính của địa phương để hoàn trả các khoản vay.

Nguyễn Mai

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *