Đầu tư 23/09/2014 08:30

FDI vào dệt may, BĐS: Việt Nam không được nhiều, còn mất!?

Đầu tư nước ngoài chủ yếu vào các lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam yếu, đang bế tắc như các ngành dệt may, da giày, bất động sản.

Số liệu thống kê chung chung

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 8 tháng năm 2014, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút hơn 7 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 68,4% tổng vốn đăng ký của cả nước. Đây cũng là cú hích đến từ các chuyển biến mạnh của các dự án như Samsung đã tăng vốn vào hai dự án trong hai tháng liên tiếp 6 và tháng 7/2014 tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, LG cũng tăng vốn đầu tư vào Hải Phòng.

 

Đứng thứ 2 là ngành kinh doanh bất động sản thu hút 1,15 tỷ USD, chiếm 11,3%; ngành xây dựng thu hút 552,9 triệu USD, chiếm 5,4%; các ngành còn lại thu hút 1,52 tỷ USD, chiếm 14,9%.

 

Nêu quan điểm về những con số nêu trên, TS Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, ông đã từng góp ý về việc số liệu báo cáo và thực hiện không phân theo ngành mà chỉ đưa ra con số chung nhưng nhiều năm nay chưa làm được điều này ảnh hưởng đến những nhận định về ngành sản xuất thu hút doanh nghiệp FDI của Việt Nam cụ thể là ngành nào để có thể đưa ra những điều chỉnh hợp lý.

 

“Tuy nhiên cũng không ngoại trừ khả năng, nội bộ Tổng cục thống kê có thống kê đầy đủ, chi tiết nhưng không công bố hết do có thể thống kê từ các địa phương chưa đủ. Đáng ra phải phân định rõ, công nghiệp chế biến là gì, công nghiệp nhẹ khác như may mặc, giày da, đồ uống, hóa mỹ phẩm chi tiết nhưng hiện nay mình công bố chưa thật đầy đủ, chỉ nói được chung, chưa đi vào từng ngành một”, TS Phan Hữu Thắng nói.

 

Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đầu tư vào lĩnh vực dệt may đón đầu ưu đãi thuế tư TPP
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đầu tư vào lĩnh vực dệt may đón đầu ưu đãi thuế tư TPP

 

Theo đó, TS Phan Hữu Thắng cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là sản xuất ở các lĩnh vực, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng như đồ uống, hóa chất, hóa mĩ phẩm, dệt may, da giày… trừ sản xuất trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp.

 

TS Phan Hữu Thắng cũng cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời gian vừa qua để đón đầu và hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một trong những chương quan trọng trong TPP là về hàng hóa. Khi Việt Nam tham gia TPP, cũng như các đối tác thành viên khác tham gia TPP thuế suất nhiều mặt hàng sẽ phải giảm dần đến mức 0%, và các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, nhất là từ các nước không tham gia TPP, sẽ được hưởng lợi từ những quy định này các nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm và gia tăng đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày của Việt Nam.

 

“Tuy nhiên, có thực tế hiện trong lĩnh vực dệt may một số địa phương đã có những rào cản, không khuyến khích vì vậy phải xem xét thật sự tại sao có các dự án dệt may trong giai đoạn này, đầu tư ở đâu, khu vực nào có thể phù hợp với điều kiện của địa phương.

 

Một số địa phương Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh… không còn thích dệt may như trước đây. Ngay nguồn lực lao động cho dệt may cũng không có, nguồn lực lao động cho điện tử, viễn thông còn đang thiếu người”, TS Phan Hữu Thắng nói.

 

Doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi

Về vị trí thứ 2 liên quan đến đầu tư bất động sản, TS Phan Hữu Thắng phân tích bất đôngn sản của Việt Nam thời gian qua chưa giải quyết được những trầm lắng việc mua lại hay đầu tư thêm các dự án bất động sản do các nhà đầu tư nước ngoài tính khả thi dự án như thế nào lại là chuyện khác, đăng ký nhiều nhưng thực tế không như vậy.

 

Đã có 10% trong tổng số 5,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân đổ vào lĩnh vực bất động sản
Đã có 10% trong tổng số 5,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân đổ vào lĩnh vực bất động sản

 

“Chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài đã tính đến sau thời gian rất dài sau khi kiếm được khu đất vàng nào đó, xây dựng 2 năm nhưng 2 năm sau đó sẽ là dự án đón đầu nhưng phải là dự án đặc biệt”, TS Phan Hữu Thắng nói.

 

Trước đó, số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch đầu tư cũng cho thấy trong nửa đầu năm nay đã có 10% trong tổng số 5,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 570 triệu USD được giải ngân đã đổ vào lĩnh vực bất động sản trong đó có các dự án nhà ở thương mại, trung tâm thương mại, resort… dẫn đến hàng loạt các dự án BĐS đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành từng nêu quan điểm rằng, hoạt động này không cho thấy bất động sản phục hồi, ấm lên mà thực chất giết một số người và một số người phát triển lại.

 

“Hiểu theo nghĩa ấm lên là không đúng, những xác chết đó chỉ được sống dậy và bắt đầu hoạt động lại nhưng về thị trường là một loạt các doanh nghiệp bất động sản chết là những doanh nghiệp Việt Nam còn những doanh nghiệp mới là những doanh nghiệp nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Đực nói.

 

Suy rộng ra, theo ông Nguyễn Văn Đực, điều này giống như nền kinh tế Việt Nam đều phụ thuộc vào nước ngoài từ sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, đến các ngành sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống... Chúng ta sẽ mất sân chơi trên chính sân nhà của mình và nhường nó cho nước ngoài, những người Việt trở thành người làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài.

 

 

Từ số liệu đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2014, có ý kiến cho rằng đầu tư nước ngoài chủ yếu đầu tư vào các ngành như sản xuất dệt may, da giày do Việt Nam chủ yếu là gia công, hay lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án đắp chiếu TS Phan Hữu Thắng cho biết, những thực tế này từ trước đến nay chưa khắc phục được. Riêng dệt may doanh nghiệp nước ngoài đang đón đầu TPP và hưởng lợi từ điều này.

 

Theo Tâm An

Đất Việt

 

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *