Đầu tư 08/09/2014 08:05

FDI dệt may: Địa phương bắt đầu tính toán thiệt hơn

Các tỉnh đều khẳng định sẽ FDI dệt may vào danh mục ngành nghề thu hút có điều kiện vì lo ngại tác động tới môi trường.

Ông Nguyễn Phước Lễ - GĐ Sở KHĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị 43 về việc thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Theo đó, lĩnh vực nhuộm, sản xuất da giày, may mặc... nằm trong danh mục 8 lĩnh vực bị hạn chế đầu tư vì những ngành này có giá trị gia tăng thấp, nguy cơ gây hại cho mội trường lớn.

 

"Tỉnh ủy ra chỉ thị hạn chế thu hút đầu tư, hoặc tạm dừng thu hút đầu tư mới nhằm bảo vệ môi trường địa phương”, ông Lễ cho biết.

 

Tuy nhiên, đứng trước những mối đe dọa nghiêm trọng về môi trường, không chỉ Bà Rịa - Vũng Tàu mà ngay cả Đồng Nai, Bình Dương cũng đã có sự tính toán cân nhắc giữa cái được và cái mất.

 

Bà Bồ Ngọc Thu -GĐ Sở KHĐT Đồng Nai, cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành (Quyết định số 2163) danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn.

Mặc dù không nằm trong diện tạm dừng thu hút đầu tư, nhưng một số ngành nghề thuộc lĩnh vực may mặc, dệt, nhuộm… được xếp vào diện thu hút đầu tư có điều kiện và chỉ được cấp phép vào các khu công nghiệp khi đáp ứng đầy đủ những quy định về xử lý chất xả thải.

 

Nhiều địa phương không mặn mà với FDI vào dệt may
Nhiều địa phương không mặn mà với FDI vào dệt may

"Tỉnh đặc biệt quan ngại trước một số doanh nghiệp FDI khi được thu hút đầu tư đã mang công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý chất xả thải kém đe dọa nghiêm trọng tới môi trường. Quyết định của tỉnh là nhằm hướng tới ngăn chặn những mối đe dọa về môi trường trong tương lai", bà Thu cho biết.

Tương tự, ông Dương Tấn Thành - Trưởng Phòng Hợp tác Kinh tế - Đối ngoại  tỉnh Bình Dương thừa nhận, nhìn từ góc độ kinh tế, thu hút FDI trong lĩnh vực dệt may ít nhiều cũng có đóng góp cho nền kinh tế của địa phương. 

Tuy nhiên bất cứ sự phát triển nào cũng phải trả giá. "Giá trị gia tăng mà dệt may mang lại là không đáng kể trong khi đó mối nguy hại với môi trường là rất lớn", ông Thành cho biết.

Nhất là trên địa bàn Bình Dương hiện đang có quá nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực dệt may kéo theo đó là rất nhiều lao động nhập cư phục vụ cho lĩnh vực này. Theo ông Thành, ở Dĩ An hiện còn có hẳn một phường nhập cư mà dân số còn đông hơn dân địa phương cùng với đó là những đòi hỏi về trường học, y tế... mà tỉnh phải tự bỏ tiền xây dựng, đầu tư.

Do đó, khi cân nhắc giữa cái được và cái mất định hướng của tỉnh là dịch chuyển cơ cấu đầu tư FDI dệt may lên các tỉnh phía Bắc để giảm tải cho Bình Dương.

VN nhận rác, nước ngoài hưởng lợi

 

Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến các địa phương từ chối cấp phép cho các dự án dệt nhuộm. da giày như: Vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, quản lý khó khăn và đặc biệt là do lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Điều đáng nói là khi đầu tư vào Việt Nam theo hình thức FDI, nhiều doanh nghiệp nước ngoài còn mang công nghệ lạc hậu, nhân công và được hưởng những chính sách ưu đãi giành cho nguồn vốn FDI. Điển hình như các doanh nghiệp FDI Trung Quốc.

 

Số liệu thống kê gần đây còn cho thấy tình trạng trốn thuế, chuyển giá đang xảy ra ở các doanh nghiệp FDI ngày càng phổ biến. GS Ngô Thế Chi cảnh báo như vậy có nghĩa là "Việt Nam đã hai lần chịu thiệt khi vừa phải ưu đãi thuế cùng lúc trở thành bãi rác công nghiệp".

 

Nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, sản xuất xơ, sợi nước ngoài (doanh nghiệp FDI) tìm đến xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam với quy mô vốn đầu tư lớn.

 

Mục đích là để “đón đầu” Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đánh giá của các chuyên gia, khi Việt Nam gia nhập TPP thì ngành hưởng lợi nhiều nhất là dệt may. Khi đó, thuế suất xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam được đưa xuống 0% khi vào Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia TPP. Để được hưởng các ưu đãi thuế từ TPP, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức là từ sợi, vải, cắt - may tại các nước TPP.

 

Nhưng dù, thuế suất có giảm 0%, thì ngành dệt may Việt Nam cũng không được hưởng lợi gì, do ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu 90% nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc (không thuộc khối TPP). Trong khi đó, người được lợi chính là các doanh nghiệp FDI, ngoài thuế suất ưu đãi, các doanh nghiệp này còn được lợi lớn từ chi phí nhân công rẻ cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

 

Điều này khiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại nó đang đi ngược với mục đích thật sự về thu hút FDI mà họ còn đang lợi dụng chính sách, chèn ép sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Bản tin Kinh tế vĩ mô số 10 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng: Ngay cả khi TPP được coi là “cơ hội vàng” cho ngành dệt may Vệt Nam, Hiệp định này cũng yêu cầu các sản phẩm dệt may phải xuất phát từ sợi” và đây là rào cản kĩ thuật hạn chế hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Thay vào đó, Việt Nam chỉ là nơi đặt nhà máy sợi, dệt, nhuộm của các doanh nghiệp nước ngoài có mong muốn hưởng ưu đãi xuất khẩu theo TPP.

 

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lên tiếng cảnh báo: Sự hiện diện của các doanh nghiệp này cũng tạo ra những thách thức đến môi trường mà Việt Nam sẽ phải đối mặt, cho nên cần xử lí kịp thời và hiệu quả để tránh lặp lại những vấn đề lớn về môi trường mà hiện nay Trung Quốc đang gặp phải.

Theo An An

Đất Việt

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *