Đầu tư 04/01/2015 08:25

Doanh nghiệp Việt lắc đầu trước cơ hội 'nhặt vàng'?

Cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ không khác gì "hạt thóc vàng" đang ở trên sân nhà.

Tờ TTXVN đã dẫn ví von của nhiều người khi nói về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

 

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đang nắm trong tay một cơ hội lớn để mở ra những bước khởi đầu đầy thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

 

Chỉ tính riêng Samsung, với sự xuất hiện của Tập đoàn Samsung và các công ty thành viên cùng các dự án phát triển của Samsung Electronics, Samsung Display, Samsung Electro-Mechanics… đã đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp điện tử lớn nhất Việt Nam trong năm 2014 với tổng vốn đầu tư dự kiến vượt ngưỡng 10 tỷ USD.

 

Các dự án này đang từng bước hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng linh kiện điện tử tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp vệ tinh nước ngoài cùng một số doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

 

Thực tế cho thấy, tại thời điểm này, Việt Nam đã thu hút khoảng 500 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia có nền sản xuất tiên tiến, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng kim loại, linh kiện cao su…

 

Tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai xây dựng thí điểm Cụm công nghiệp hỗ trợ trên diện tích 50ha, với 200 nghìn m2 nhà xưởng và dự kiến tiếp nhận khoảng 40 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho lắp ráp điện tử, ôtô và cơ khí chính xác.

 

Đang có rất nhiều cơ hội để Việt Nam 'nhặt vàng' từ công nghiệp hỗ trợ
Đang có rất nhiều cơ hội để Việt Nam 'nhặt vàng' từ công nghiệp hỗ trợ

 

Doanh nghiệp Việt lắc đầu

 

Trên thực tế số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sân chơi này còn rất ít và đang có xu hướng bị áp đảo bởi các doanh nghiệp FDI.

 

Bằng chứng là khi Samsung đưa ra đầu bài với 170 linh kiện, trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe... nhưng câu trả lời của các DN là: chưa làm được.

 

Ông Trương Thanh Hoài, phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương cho biết: "Khi hỏi các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm truyền thống, câu trả lời là: chưa làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành)! Mà trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe...".

 

Trong khi đó phía Samsung cho biết chỉ riêng sạc pin các loại, mỗi năm họ cần khoảng 400 triệu chiếc.

 

"Tôi chỉ tính nếu VN làm được, mỗi sạc pin lãi 0,5 USD, mỗi năm VN đã có 200 triệu USD. Đó là cơ hội lớn nếu nắm bắt được", ông Hoài tính toán.

 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thẳng thắn thừa nhận, chúng ta còn thiếu các cơ sở sản xuất nguyên vật liệu hỗ trợ cơ bản; hàm lượng chế tạo nội địa thấp mà chủ yếu chỉ là gia công, lắp ráp bán thành phẩm hoặc cụm linh kiện.

 

Trong khi đó, công nghệ gia công còn lạc hậu, công suất thấp, giá thành cao, chất lượng lại không ổn định.

 

Sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ Việt Nam từng được ông Sukurada Yoichi, nghiên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) cảnh báo: “Tới đây, thuế suất các mặt hàng trong khối ASEAN giảm xuống bằng 0, một số DN Nhật Bản đang cân nhắc chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan, vì thế các bạn cần nỗ lực tăng tốc kẻo mất cơ hội”.

 

Trong khi đó: "Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa tạo lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước. Cũng như chưa tạo lập được mô hình liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quốc gia", Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thừa nhận.

 

Chính vì vậy cơ hội 'nhặt vàng' của Việt Nam từ công nghiệp hỗ trợ không phải chuyện dễ ăn.

 

Phương Nguyên

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *