Đầu tư 20/05/2014 06:35

Doanh nghiệp nước ngoài muốn Chính phủ giúp gỡ khó

“Cảm ơn những người dân Việt Nam lương thiện đã cố gắng giúp đỡ và bảo vệ chúng tôi”, bà Lưu Minh Đức, đại diện của Tổng hội Thương gia Đài Loan nói tại buổi gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 19/5 tại Hà Nội.

Diễn ra sau các vụ gây rối xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh vừa qua, cuộc gặp này có sự tham gia của đại diện gần 20 hiệp hội nhà đầu tư và các nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Về phía Chính phủ, có đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam… 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cuộc gặp gỡ được tổ chức để các bên trao đổi về các sự việc vừa xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh. Đây là cuộc gặp chung đầu tiên và lớn nhất của VCCI và Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, còn địa phương đã có các cuộc gặp riêng.

Ông Lộc cho hay ngay sau khi các vụ việc xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã triển khai một loạt cuộc gặp, họp và ra loạt chỉ thị để triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự và bàn cách khắc phục sản xuất kinh doanh.

Tới nay, tại các địa phương đã ổn định và kiểm soát hoàn toàn, an ninh, tính mạng, tài sản nước ngoài được đảm bảo, hầu hết doanh nghiệp bị thiệt hại đã hoạt động bình thường. Chính phủ và các địa phương cũng đã có biện pháp giúp đỡ các doanh nghiệp thiệt hại để khôi phục sản xuất kinh doanh.

Phát biểu tại cuộc gặp, bà Lưu Minh Đức cho hay các nhà đầu tư Đài Loan là những nhà đầu tư đến Việt Nam sớm nhất và tạo ra nhiều việc làm nhất cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, đang có tâm lý lo lắng nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại đây, sau các vụ gây rối vừa qua. 

Bà cũng nhấn mạnh, “nhiều nhà đầu tư trong số chúng tôi có niềm tin với Chính phủ Việt Nam, nhưng niềm tin này chỉ có thể được củng cố bằng các hành động sắp tới”.

“Chúng tôi muốn biết Chính phủ Việt Nam sẽ bồi thường cho các thiệt hại như thế nào. Điều này cũng thể hiện thiện chí của Chính phủ Việt Nam. Hiện nay Tổng hội Thương gia Đài Loan nhận được nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp Đài Loan là Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì. Chúng tôi tin hành động tiếp theo của Chính phủ sẽ là câu trả lời tốt nhất”, bà nói thêm. 

Theo một đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, tổ chức này hiện đã nhận được báo cáo của các doanh nghiệp tại Bình Dương, trong đó có 76 doanh nghiệp báo cáo là đã bị tổn thất, ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất. 

“Chúng tôi mong Chính phủ có kế hoạch phòng ngừa, đề phòng hành động tương tự xảy ra trong tương lai. Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ đưa ra các ưu đãi về thuế, hải quan… để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trước mắt”, ông nói.

Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham) thì cho biết mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều, tuy nhiên các doanh nghiệp EU cũng bị ảnh hưởng do các tác động gián tiếp, cụ thể nhất là hệ thống cung ứng bị ảnh hưởng. 

“Chúng tôi cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay là nhanh chóng hành động để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông nhấn mạnh.

Một đại diện khác của Tổng hội Thương gia Đài Loan, ông Lý Quốc Long cho hay công ty sản xuất nhôm Tungshing của ông đã chịu thiệt hại nặng sau vụ gây rối.

“Hồi 2006, khi đình công nở rộ, tôi có biết chút tiếng Việt nên đi hỏi công nhân vì sao lại muốn đình công, họ nói không biết, họ bảo bên ngoài có người chạy vào nhà máy và đánh chúng tôi. Điều đó chứng minh có người đứng sau kích động”, ông nói.

Theo đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài, ngay sau khi các vụ việc xảy ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp để nắm tình hình, chỉ thị thực hiện biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn con người và tài sản doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động bình thường. 

“Gần đây nhất, Bộ đã có công văn gửi các địa phương đề nghị đánh giá thiệt hại doanh nghiệp FDI để có phương án khắc phục hậu quả cho các doanh nghiệp”, vị này cho hay. 

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao  cho rằng Việt Nam hết sức chia sẻ các tổn thất các doanh nghiệp FDI trong vụ việc vừa qua, đặc biệt là các doanh nghiệp Đài Loan. “Người Việt Nam có câu “của đau con xót”, tổn thất của doanh nghiệp cũng chính là tổn thất của Việt Nam. Thực tế lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện quan điểm rõ ràng, lập trường công khai, Chủ tịch nước cũng đã đích thân đi thăm hỏi, khảo sát tại Bình Dương. Tôi tin Chính phủ sẽ quyết tâm giải quyết sự việc theo hai hướng, là trước mắt giúp doanh nghiệp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; thứ hai là sẽ có hệ thống chính sách, giải pháp lâu dài để khôi phục niềm tin nhà đầu tư nói chung”.

Đáng chú ý là theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tiền tệ, đầu tư, Bộ Công an, ngay sau khi sự việc xảy ra, bộ đã tăng cường lực lượng, can thiệp kịp thời không để xảy ra hậu quả đáng tiếc tiếp theo, khi cho biết lực lượng công an đã tăng cường bảo vệ các mục tiêu dự án, công trình của nhà đầu tư FDI tại tất cả 63 tỉnh thành cả nước, không chỉ ở ba địa phương xảy ra gây rối vừa qua.

Ông Lĩnh cũng thông báo tới các nhà đầu tư, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án và đang tích cực điều tra tuy tìm thủ phạm kích động gây ra các vụ gây rối. 

“Tôi tin chắc chắn, an ninh và an toàn tải sản, lợi ích hợp pháp và tính mạng nhà đầu tư FDI sẽ được đảm bảo tuyệt đối an toàn tại Việt Nam, mong quý vị tin vào điều đó”, ông Lĩnh nói.

Theo Anh Minh
VnEconomy

 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *