Đầu tư 24/09/2014 14:11

Đến 2030, mỗi năm Hà Nội mở hơn 60 siêu thị... có "thừa giấy vẽ voi"?

FICA - Để đảm bảo kế hoạch có 1000 siêu thị từ nay đến 2030, mỗi năm Hà Nội phải xây dựng 65 siêu thị. Ngoài 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, có vốn ngân sách…

Mặc dù dư luận đã có nhiều ý kiến xung quanh kế hoạch xây mới hơn 1000 siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, đại diện Sở Công thương và ban ngành Hà Nội vẫn bảo lưu quan điểm vì cho rằng đây là: quy hoạch nhằm dự báo xu hướng phát triển của KT – XH nhằm đặt nhiệm vụ của ngành mình đáp ứng nhu cầu. Trước đó, Trung tâm thương mại Việt Hưng (Gia Lâm) và chợ Hàng Da (Cửa Đông – Hoàn Kiếm) là hai điểm hình “ế ẩm” – không người mua kể từ khi “lên đời” từ chợ thành siêu thị gây lãng phí trong đầu tư.

 

Chợ Cửa Nam - biểu tượng của sự ế ẩm sau quá trình "lên đời" tốn kém 280 tỷ đồng

 

Không lấy đất mới làm siêu thị

 

Theo như Báo Dantri.com ngày 25/8 có phản ánh trước đó về vấn đề xây dưng 1000 siêu thị, TT TM theo kế hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ Hà Nội từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tại cuộc họp giao bán báo chí Thành ủy, lãnh đạo Sở Công thương TP Hà Nội đã “phân trần” về kế hoạch của mình, đại diện của Hà Nội cho rằng: xây siêu thị, trung tâm thương mại nhằm đáp ứng như cầu phát triển thành phố văn minh hiện đại. Bên cạnh đó, bán lẻ hiện vẫn chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu của người dân, dự tính mua sắm sẽ bùng nổ khi thu nhập bình quân/người của Hà Nội dự tính sẽ tăng cao, năm 2030 có thể đạt 17.000 USD/người/năm.

 

Về quỹ đất, theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội hơn 1000 siêu thị, trung tâm thương mại không lấy quỹ đất mới hoàn toàn mà tận dụng các nhà cao tầng tại các khu chung cư. Đọc dường Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Cầu Giấy có nhiều tòa nhà cao tầng, khu chung cư có thể xây dựng các siêu thị hạng 2, 3 tại đây nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và tiện dụng mua sắm. Đại diện của Hà Nội cũng cho biết sẽ không xóa bỏ chợ truyền thống ở ngoại thành mà phát triển song song hệ thống bán lẻ hiện đại nhằm từng bước xây dựng thói quen cho người dân, phát triển lan tỏa và thu hút các nhà đầu tư. Các đô thị vệ tinh trong tương lai như Đan Phượng, Quốc Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn… sẽ có kế hoạch phát triển tương tự, nhằm thu hút các DN lớn, DN ngoại. Kế hoạch đưa siêu thị mini hạng 2 – 3, trung tâm thương mại nhỏ vào các khu đô thị là cách của Hà Nội nhằm tận dụng được cơ sở hạ tầng và không làm mất đi quỹ đất mới, đồng thời vừa đáp ứng nhu cầu tại chỗ của người dân.

 

Tuy nhiên, việc kết hợp này không phải chưa từng diễn ra mà đã có cách đây nhiều năm, khi các khu đô thị như Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính hay Mỹ ĐìnhI, II đều được các chủ đầu tư liên kết với các DN, hãng bán lẻ và siêu thị trong nước bán cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người dân thì nhiều siêu thị mini hạng 2 – 3 này đang tồn tại kiếm khuyết đối với người tiêu dùng: giá đắt, không đa dạng hàng và phương thức bày bán cũ.

 

“Hàng hóa không đa dạng, đắt và phương thức bán – thanh toán không bằng như các siêu thị được. Mua ở đây chỉ tiện thôi, còn nếu cuối tuần đi siêu thị mua nhiều đồ kết hợp đưa cháu đi chơi gia đình tôi thường đưa đi siêu thị lớn. Nhiều bà nội trợ cũng vẫn thích mua hàng hóa, đồ thực phẩm ở chợ truyền thông, hoặc cửa hàng chuyên doanh thịt – cá vì tươi sống và có thể giá sẽ rẻ hơn so với siêu thị mi ni”, người dân sống tại Khu đô thị Mỹ Đình II (Q Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho biết.

 

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, nguồn vốn đầu tư phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ xây dựng 1000 siêu thị ước tính tốn 521.000 tỷ đồng, theo các giai đoạn từ nay đến năm 2020 và giai đoạn từ 2021 – 2013. Số vốn này là từ vốn DN 100% vốn nước ngoài, liên doanh – liên kết, vốn DN Việt Nam và vốn Ngân sách…

 

Dẹp chợ cóc, dành “đất” cho siêu thị?

 

Trả lời về nguyên nhân tại sao 1 số siêu thị, TT TM ế ẩm không có người mua sau khi chuyển đổi từ chợ lên, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết.

 

Một trong những nguyên nhân chính là do người dân vẫn có thói quen mua bán vỉa hè, chợ cóc. Giá cả có rẻ, đi lại có thuận tiện nhưng đây cũng là thói quen khó bỏ gây nhiều nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng và trong thời gian tới cần cởi bỏ.

 

Trả lời thắc mắc liên quan đến việc chợ Hàng Da, Ô Chợ dừa và một số siêu thị, trung tâm thương mại lên đời từ chợ nhưng không có khách; chợ Trương Định phá đi để xây trung tâm thương mại nhưng mấy năm bỏ không. Việc kết hợp chung cư, nhà cao tầng vừa là siêu thị nhưng ở 1 số dự án đã có nhưng hiệu quả chưa cao…

 

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Do công tác quản lý không sát sao khiến người dân khi vào các siêu thị này không được thoải mái, cụ thể chi tiết nhỏ là người dân phải mất tiền gửi xe tầng hầm hoặc bên ngoài tòa nhà (với các trung tâm không có chỗ gửi xe). Thu được mấy nghìn, nhưng khi so sánh với các làm của các Siêu thị lớn, rõ ràng là người tiêu dùng không thích cách thu tiền vé xe như hiện nay. Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa đó là việc chính quyền không giải quyết được phát sinh chợ tạm bên đường. Người dân ghé vào chợ cóc, chợ tạm mua sắm nên vào chợ ít… 

 

Chợ Trương Định cũng là dự án TT Thương mại diện tích 3700 m2 18 tầng  hiện do CTy đầu tư xây lắp cơ khí VN và trúng thầu nhưng chủ đầu tư đang xem xét đầu tư lại phần mô hình, thiết kế để báo cáo UBND Hà Nội để xây dựng phù hợp.

 

Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: lúc đầu tôi ngạc nhiên và bàng hoàng khi tiếp cận bản quy hoạch này. Tuy nhiên đây là quy hoạch nhằm dự báo xu hướng phát triển để đề ra nhiệm vụ. Hiện, các siêu thị đang nằm ở phần “lõi” của nội thành nên muốn mua, người dân phải đi vào thành phố. Thành phố kêu gọi nhà đầu tư tính toán và đương nhiên vấp phải thói quen thích mua ở chợ cóc chợ tạm.  Siêu thị nằm ở nội thành chủ yếu vùng lõm vùng trung tâm gọi là quận nội thành, nhiều khu vực muốn mua hàng phải vào TT.  

 

Trong giai đoạn 2012-2014 Hà Nội có 8 siêu thị được đưa vào hoạt động như Royal City, Time City, cùng với 25 siêu thị khai trương đưa vào hoạt động tiêu biểu hệ thống Ocean Mart, Lotte Mart…  Kế hoạch 1000 siêu thị tới năm 2030 sẽ bao gồm 23 siêu thị hạng một (đại siêu thị), 111 siêu thị hạng hai và 865 siêu thị hạng ba. Trong đó, vùng đô thị trung tâm sẽ có tới 19 đại siêu thị, 82 siêu thị hạng hai và 530 siêu thị hạng ba; vùng đô thị lõi mở rộng sẽ có tới 13 đại siêu thị, 57 siêu thị hạng hai và 396 siêu thị hạng ba. Vành đai 4 với 6 đại siêu thị, 25 siêu thị hạng hai và 172 siêu thị hạng ba. Các khu đô thị như: Mê Linh (77 siêu thị), Đông Anh (88 siêu thị), Long Biên - Gia Lâm (98 siêu thị); các đô thị vệ tinh sẽ có tới 338 siêu thị...

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *