Đầu tư 19/05/2014 08:26

Đẩy mạnh cổ phần hóa DN ngành GTVT: Nhiều triển vọng từ IPO

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) được đánh giá là một trong những bộ quyết liệt trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp (DN) nhà nước với thông điệp từ lãnh đạo ngành: Tất cả các đơn vị thuộc diện CPH mà không làm thì chủ tịch, tổng giám đốc đi nơi khác. Thực tế cho thấy, đó không chỉ là quyết tâm chính trị của toàn ngành mà sau CPH, nhiều DN đã có cơ hội lớn để phát triển tốt hơn.

Con đường duy nhất

Theo Bộ GTVT, trong năm 2014, Bộ sẽ tiến hành CPH 25 DN, đơn vị sự nghiệp, gồm: 3 DN thuộc Bộ; 10 DN thuộc các tổng công ty; 2 DN thuộc các trường và 10 đoạn quản lý đường sông thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Đáng chú ý, Bộ sẽ tiến hành CPH Bệnh viện GTVT trung ương I và nếu thành công, đây sẽ là bệnh viện đầu tiên hoạt động theo mô hình này. Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ thí điểm thực hiện CPH một cảng hàng không thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam; quyết liệt CPH các DN vận tải thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhằm thực hiện tách hạ tầng đường sắt và hoạt động kinh doanh vận tải. 
 
Việc cổ phần hóa Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 bước đầu đã mang lại kết quả tốt.
Việc cổ phần hóa Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 bước đầu đã mang lại kết quả tốt.

Bộ tiếp tục chỉ đạo các tổng công ty xử lý vướng mắc về tài chính để chuyển các DN thành viên đã mất vốn chủ sở hữu thành công ty cổ phần. Đối với những DN không đáp ứng các tiêu chí theo quy định, không thể CPH được thì chủ động đề xuất, báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện bán hoặc phá sản. Năm 2015, Bộ GTVT sẽ tiến hành CPH tất cả các DN, đơn vị còn lại.

Để CPH, tái cơ cấu các DN nhà nước trong lĩnh vực GTVT thành công thì việc đầu tiên là cần phải xác định được lộ trình cũng như có các giải pháp thực hiện với quyết tâm cao nhất. Theo đó, mỗi Thứ trưởng sẽ phụ trách một số DN nhất định và xác định trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc, Hội đồng thành viên của các DN này. Bộ GTVT cũng đưa vào nghị quyết với DN không hoàn thành kế hoạch, lộ trình CPH, sẽ điều chuyển sang làm việc khác. Không chỉ là khẩu hiệu, hồi tháng 3-2014 vừa qua, một lãnh đạo cao cấp của Tổng Công ty Vinalines đã bị điều chuyển sang làm công tác phòng chống lụt bão vì lý do CPH chậm. 

Đã có những "điểm sáng"
 
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng:Bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) không chỉ thuần túy bán phần vốn nhà nước đi, mà điều quan trọng để DN nhà nước khi thực hiện IPO xong chuyển sang công ty cổ phần hoạt động có hiệu quả hơn; đem lại lợi ích cho Nhà nước, DN và cổ đông. Và như vậy người dân sẽ được hưởng dịch vụ chất lượng tốt nhất từ mô hình DN này…
Mới chỉ hơn một năm trước, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) còn đang ngập trong khó khăn, công nhân không có việc làm, bị nợ lương. Tổng Công ty dường như chỉ còn đợi ngày giải thể. Cuối tháng 3-2014, Vinawaco đã hoàn thành IPO với hơn 9 triệu cổ phần được bán hết. Ngay sau khi IPO thành công, hầu hết các đoàn tàu nạo vét của Vinawaco đều đang hoạt động hết công suất. Một số đơn vị trực thuộc từng có quyết định phá sản nay bắt đầu hồi sinh.

Công cuộc CPH của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) được đánh giá là thành công ngoài mong đợi. Theo ông Phạm Dũng - Chủ tịch HĐQT Cienco1, sau khi CPH, với lợi thế trong việc xây dựng những công trình có kết cấu phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, cùng với việc vẫn được xem là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực xây dựng giao thông, Cienco1 chắc chắn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn. Khi hoạt động theo mô hình mới, với sự tham gia của các cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản, Cienco1 sẽ có thêm cả tài chính, kinh nghiệm quản lý và ưu thế, thiết bị kỹ thuật để tìm cho mình những dự án lớn hơn và tranh thủ được nguồn vốn nước ngoài để đầu tư vào các dự án. Cienco1 đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.195 tỷ đồng trong năm đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (2014), lợi nhuận trước thuế đạt 78,8 tỷ đồng; tỷ suất cổ tức/vốn cổ phần đạt 7%.

Dù vẫn trong giai đoạn khó khăn nhưng Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã và đang cho thấy một sự chuyển mình mạnh mẽ sau khi tái cơ cấu, đổi tên từ Tập đoàn Vinashin. SBIC đã có những hợp tác ban đầu với Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan, là cổ đông chiến lược của một số đơn vị. Cụ thể: Công ty Đóng tàu Bến Kiền hoạt động yếu kém nhưng lại có cơ sở hạ tầng rộng lớn, trong khi đó Công ty Đóng tàu Sông Cấm hoạt động tốt, đang có nhu cầu mở rộng cơ sở hạ tầng. Trước tình hình đó, SBIC đã sáp nhập 2 DN này như là một giải pháp hữu hiệu. Giờ đây, quy mô của Sông Cấm đã tăng gấp 4 lần, hàng trăm lao động của Bến Kiền trước đây giờ đã có việc làm ổn định… 

Dẫu rằng phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng những nét khởi sắc nói trên là rất đáng ghi nhận, khẳng định CPH là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Điều đó không chỉ có lợi cho sự phát triển DN mà còn có lợi cho sự phát triển của xã hội.
 
Theo Lương Ninh Giang
Hà Nội Mới

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *