Đầu tư 11/04/2015 16:13

Đâu là điểm yếu lớn nhất của vốn FDI khi vào Việt Nam?

FICA – Việc FDI chưa tác động thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, tiêu biểu là chưa thúc đẩy được công nghiệp phụ trợ được coi là yếu điểm lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Theo đánh giá của CTCK BIDV (BSC), tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2015 xét trên tổng thể chưa có dấu ấn của dự án lớn nào, và điều này đã làm giảm đáng kể giá trị FDI đăng ký, dù cho số lượt dự án đăng ký cấp mới và tăng vốn đều tăng mạnh so với cùng kỳ 2014 (hơn 200% so cùng kỳ). Tổng vốn FDI đăng ký trong quý I là 1,84 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI giải ngân giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Tổng giá trị thực hiện thực tế là 3,05 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút tới 3/4 tổng lượng vốn FDI đầu tư vào 14 ngành và lĩnh vực tại Việt Nam. Hai lĩnh vực chiếm số lớn vốn của phần còn lại lần lượt là bất động sản, bán buôn bán lẻ và xây dựng.

Một số dự án lớn được cấp phép trong quý I/2015 có thể kể tới Dự án Worldon, 300 triệu USD, British Virgin Islands, HCM, may mặc cao cấp; Dự án KMW, 100 triệu USD, Hàn Quốc, Hà Nam, thiết bị viễn thông sử dụng vô tuyến điện, thiết bị đèn LED chiếu sáng; Dự án Regina Miracle International, tăng vốn 90 triệu USD, Hồng Kông, Hải Phòng, sản xuất quần áo lót nữ; Dự án Vina Nam Phú, 60,9 triệu USD, Singapore, Hồ Chí Minh, kinh doanh bất động sản.

Điều đáng chú ý là dòng vốn FDI từ phía Nhật giảm mạnh (chỉ đạt 294 triệu USD thay vì 414 triệu USD năm 2014). Điều này giải thích lý do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý I/2015 tỏ ra kém khả quan cho dù có sự khởi đầu khá tích cực vào tháng 1.

Một vấn đề khác là FDI còn chưa tác động thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, tiêu biểu là chưa thúc đẩy được công nghiệp phụ trợ. Đây là yếu điểm lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, cơ cấu vốn FDI còn tập trung nhiều vào các ngành khai khoáng, dầu khí… mà thiếu đi các ngành có tính bền vững như nông nghiệp, năng lượng xanh…

Tình hình thu hút và giải ngân vốn FDI của Việt Nam từ 2013

Tuy nhiên, BSC cho biết, vẫn tin tưởng vào triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới. Nhóm phân tích cho rằng, với các kết quả trong quý I vừa qua chỉ mang tính nhất thời, do đó chưa thể đánh giá được tình hình thu hút FDI trong các quý tới.

Cụ thể, xét trong dài hạn, dòng vốn quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia vẫn có dấu hiệu dịch chuyển về Việt Nam qua hình thức chuyển dịch các nhà máy lớn từ Trung Quốc sang. Xu hướng trên vốn đã tồn tại trong 2 năm gần đây, điển hình là Microsoft, Samsusng, LG… Theo BSC, xu hướng cũng như diễn biến thu hút các dự án FDI lớn trên là một quá trình kéo dài và sẽ mang dư âm trong nhiều năm.

Năm 2015 đối với Việt Nam mang nhiều ý nghĩa về hợp tác thương mại quốc tế khi Việt Nam đẩy mạnh gia nhập các diễn đàn trên thế giới cũng như tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, tiêu biểu là Hiệp định đối tác Việt Nam – Nhật Bản, VN-EU FTA thời điểm gần nhất, hay Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản, cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP ở thời điểm xa hơn. Với việc hội nhập sâu rộng như vậy, tiềm năng thị trường của Việt Nam sẽ được mở rộng sang các thị trường khu vực ASEAN, EU và Mỹ thay vì giới hạn trong 90 triệu dân nội địa.

Song song với đó, Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm trong việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thông qua việc tạo ra các chính sách hỗ trợ tốt, như Luật Đầu tư sửa đổi (có hiệu lực kể từ 1/7/2015 tới), hay Nghị quyết 19 của Chính phủ, đặc biệt là nỗ lực cắt giảm số giờ làm thủ tục trong lĩnh vực thuế…

Thanh Nga

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *