Đầu tư 12/05/2014 19:07

Cổ phần hóa EVN, TKV: Khó nhất là thừa lao động

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cổ phần hóa DNNN khiến doanh nghiệp khó khăn trong giải quyết việc làm nội bộ.

Sáng nay (12/5), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tọa đàm với đoàn viên thanh niên với chủ đề “Phát huy vai trò của tuổi trẻ ngành Công Thương trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.

 

Bộ trưởng cho biết, hiện nay chỉ tiêu của Chính phủ đề ra là tạo thêm 1,6 triệu việc làm mỗi năm. Về cơ bản, nước ta đã đạt được mục tiêu về mặt số lượng, song về chất lượng lao động chưa được đảm bảo. Trong đó, hiện tại đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, riêng việc đẩy mạnh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng khiến quá trình sắp xếp, giải quyết việc làm gặp khó khăn ngay trong chính các doanh nghiệp đó. Đơn cử, có thể sẽ xuất hiện tình trạng dôi dư lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp.

Lấy ví dụ tại 2 tập đoàn lớn là Điện lực Việt Nam (EVN) với khoảng 100.000 lao động và Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Bộ trưởng Hoàng cho biết, mặc dù đây là hai điểm sáng về giải quyết việc làm trong quá trình cổ phần hóa, nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức.

Chẳng hạn, với TKV, đây là ngành nghề lao động vất vả, nguy hiểm; môi trường làm việc càng ngày càng phải khai thác trong hầm lò nhiều hơn so với khai thác lộ thiên. Vì khai thác dưới hầm lò có nhiều nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro, độc hại... nên không dễ thu hút nhân lực. Còn EVN thì nhiều cơ sở làm việc tại nhiều địa bàn vùng sâu, xa, thậm chí ngoài vùng hải đảo.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một điểm nhấn quan trọng khi Bộ trưởng đề cập đến yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bởi vì, theo Bộ trưởng Hoàng, sự nghiệp CNH – HĐH đạt kết quả như thế nào, trước hết phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp này. Phát triển nguồn nhân lực là một trong những mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tại Đại hội Đảng lần thứ XI, nhận diện về những thuận lợi và khó khăn trong thời đại hiện nay trong quá trình thực hiện mục tiêu mà Đại hội đề ra, Đảng ta đã nhấn mạnh ba “điểm nghẽn” gồm về: thể chế (đặc biệt là thể chế kinh tế), chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng.

Trong ba điểm nghẽn này, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm hàng đầu đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì con người là yếu tố quyết định cho sự thành công của bất kỳ chủ trương chính sách nào. Do vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là một trong những trọng tâm hàng đầu trong chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra.

Theo thống kê sơ bộ, lực lượng lao động trẻ chiếm tới hơn 50% nguồn lao động. Do đó, đây được cho là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Vì thế, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các cơ quan, ban ngành cần tạo điều kiện hết sức để các cán bộ, nhân viên được học hỏi, có cơ hội đào tạo chuyên môn cả trong và ngoài nước.

Cũng tại tọa đàm này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về nhân lực phục vụ CNH – HĐH đất nước nói chung, ngành Công Thương nói riêng (ngành có đóng góp trên 60% GDP cả nước, trong đó lao động trẻ chiếm tới trên 50%), đội ngũ lao động trẻ cần phải: Có tinh thần trách nhiệm, ý thức lao động phục vụ nhân dân, đặt lợi ích tổ quốc, nhân dân lên trên hết; phải dũng cảm, tiên phong đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao và tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động sản xuất...; phải không ngừng nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất đạo đức...; đặc biệt phải là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách đề ra, các phong trào thanh niên thực hiện cần phải thiết thực.../.

Theo CTV Thùy Anh

VOV online

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *